Từ Hi Thái Hậu là ai ? Đại nữ nhân tàn ác bậc nhất lịch sử Trung Hoa

Từ Hi Thái hậu (慈禧太后) hoặc Tây Thái hậu (西太后), là phi tần của Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế, mẹ đẻ của Thanh Mục Tông (Đồng Trị).

Từ Hi Thái Hậu ăn 300 quả dưa hấu một lần và thói quen lãng phí thức ăn đến mức đầu bếp phải lén lút "ra tay" sau lưng

Từ Hi Thái Hậu là ai ?

Hiếu Khâm Hiển Hoàng hậu (chữ Hán: 孝欽顯皇后; tiếng Mãn: ᡥᡳᠶᠣᠣᡧᡠᠩᡤᠠ ᡤᡳᠩᡤᡠᠵᡳ ᡳᠯᡝᡨᡠ ᡥᡡᠸᠠᠩᡥᡝᠣ, Möllendorff: hiyoošungga gingguji iletu hūwangheo, Abkai: hiyouxungga gingguji iletu hvwangheu; 29 tháng 11 năm 1835 – 15 tháng 11 năm 1908), thường được gọi là Từ Hi Thái hậu (慈禧太后) hoặc Tây Thái hậu (西太后), là phi tần của Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế, mẹ đẻ của Thanh Mục Tông (Đồng Trị). Bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính của triều đình nhà Thanh cùng với Từ An Thái hậu khi Đồng Trị Đế lên ngôi. Sau khi Đồng Trị mất, Thanh Đức Tông (Quang Tự) lên ngôi, bà lại tiếp tục nhiếp chính.

Năm 1861, Hàm Phong mất, di chiếu cho Cố mệnh Bát đại thần cùng nhiếp chính cho vua mới là Đồng Trị còn nhỏ tuổi. Từ Hi Thái hậu đã cùng Từ An Thái hậu - dưới sự giúp đỡ của Cung Thân vương Dịch Hân - đã tạo nên chính biến phế trừ cả Tám đại thần nhằm đạt được quyền lợi chính trị trước mâu thuẫn gay gắt với Túc Thuận, người đứng đầu Tám vị đại thần. Sau sự kiện này, Từ Hi Thái hậu và Từ An Thái hậu đồng nhiếp chính cho Tân Hoàng đế, trở thành 2 vị Hoàng thái hậu duy nhất của triều đại Thanh thực hiện [Thùy liêm thính chánh; 垂簾聽政].

Theo cách hiểu thông thường, Từ Hi Thái hậu đã nắm đại quyền triều đại nhà Thanh trong vòng 47 năm, từ năm 1861 tới tận khi qua đời. Nhưng thực tế, bà chỉ có nắm toàn quyền ở hai giai đoạn: từ năm 1881 sau cái chết của Từ An Thái hậu, cho đến năm 1889 khi Quang Tự Đế thân chính; và từ năm 1898 đến khi qua đời năm 1908, sau sự kiện Bách nhật Duy tân. Tuy vào năm 1889, Quang Tự Đế tuyên bố thân chính, nhưng Từ Hi Thái hậu vẫn nắm thế lực đằng sau, gọi là [Huấn chính; 訓政]. Như vậy, bà nắm quyền thực tế tầm 27 năm.

Sự kiện Bách nhật Duy tân của Quang Tự, là một sự kiện phát sinh do mâu thuẫn giữa Hoàng đế và Từ Hi Thái hậu trong vấn đề chính trị, và một trong những dự định của Quang Tự Đế là mật mưu cùng với Khang Hữu Vi để giam lỏng cùng ám sát Thái hậu, từ đó nắm được đại quyền trong tay. Sau khi Biến pháp thất bại, Quang Tự Đế bị giam lỏng, Từ Hi Thái hậu tiếp tục là nhà lãnh đạo tối cao, tiếp tục thực hiện [Huấn chính], và đây là khoảng thời gian đỉnh cao quyền lực nhất mà người đời sau biết về bà. Khi khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn bùng nổ, liên quân 8 nước phương Tây tấn công Trung Quốc, Từ Hi Thái hậu và hoàng tộc phải chạy tới Tây An. Năm 1901, sau khi Hòa ước Tân Sửu được ký kết, bà mới quay trở lại Bắc Kinh. Những năm cuối đời, Từ Hi Thái hậu nhận thấy thế nước quá suy yếu, nên cố gắng thực hiện nhiều cải cách nhất định ảnh hưởng đến nền chính trị Trung Quốc khi ấy, một trong những điều nổi tiếng nhất là việc giải phóng phụ nữ Trung Hoa khỏi tục bó chân[1].

Nhiều nhà sử học hiện đại ở Trung Quốc và hải ngoại thường miêu tả Từ Hi Thái hậu như một bạo chúa, người phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh, trong khi một số khác thì lại cho rằng các đối thủ của Thái hậu đã quá thành công trong việc quy tội bà về những vấn đề nằm ngoài khả năng kiểm soát của bà lúc đó. Đánh giá thực tế khách quan, bà không hề tàn nhẫn hơn hay kém những nhà lãnh đạo khác trên toàn thế giới, nếu không muốn nói đã ít nhiều là một nhà cải cách có hiệu quả trong những năm cuối đời, cho dù hành động này có phần miễn cưỡng bởi tình thế khó khăn của triều Thanh vào lúc ấy[2].

Trong văn hóa đại chúng thường thức ở Trung Hoa đại lục, Từ Hi Thái hậu cùng với Võ Tắc Thiên thời Đường và Lã hậu thời Hán được xem là 3 người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa trong một thời gian dài, bị dân gian coi là những "gian hậu loạn triều" tàn ác bất nhân với cả người thân, làm nghiêng đổ xã tắc.

Lão Phật Gia là ai? - Ảnh 1.

Dòng dõi - Xuất Thân của Từ Hi Thái Hậu

Từ Hi Thái hậu sinh ngày 10 tháng 10 (âm lịch) năm Đạo Quang thứ 15, xuất thân từ Diệp Hách Na Lạp thị thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, nguyên là Mãn Châu Tương Lam kỳ, con cháu nhà quan gia thế tập. Sau thời Trung Hoa Dân quốc, có nhiều học giả nhận định bà ắt hẳn là con cháu Diệp Hách bối lặc Kim Đài Cát, thuộc dòng dõi của Nạp Lan Minh Châu, thế nhưng sự thực hoàn toàn không phải như vậy.

Cứ theo hồ sơ có tên Đức Hạ Nột Thế quản tá lĩnh tiếp tập gia phổ (德贺讷世管佐领接袭家谱) tại Trung Quốc đệ nhất lịch sử đương án quán (中国第一历史档案馆), thì tổ tiên của bà được gọi là Khách Sơn (喀山), thế cư Tô Hoàn, mang họ Na Lạp thị, cho nên nguyên bản phải được gọi là [Tô Hoàn Na Lạp thị; 甦完那拉氏]. Mà Tô Hoàn vốn ở trong lãnh thổ Diệp Hách, nên vài đời sau cứ lấy thế cư Diệp Hách, tạo thành ra sự ngộ nhận thân thế "Diệp Hách Na lạp thị" của bà. Sách Thanh sử cảo viết về bà cũng công nhận bà là hậu nhân của Diệp Hách bộ, dù sắc phong tần phi của bà ghi lại thì bà chỉ được gọi đơn giản là [Na Lạp thị] mà thôi.

Khách Sơn sau khi nhập kỳ, nhận chức Kỵ Đô úy, sau do tòng chinh Liêu Đông lập rất nhiều quân công, sau do có công “Dưỡng dục công chúa” mà thụ tước [Nhị đẳng tử; 二等子], thụy là [Mẫn Tráng; 敏壮]. Hậu duệ đại tông một chi thừa kế tước hiệu [Nhất đẳng Nam; 一等男] cùng hai chức Quản tá lĩnh (管佐領). Cao tổ phụ Khách Anh A (喀英阿) là huyền tôn của Khách Sơn, thế tập tước Nam tước cùng chức Tá lĩnh. Khách Anh A sinh ra con trưởng Trát Lang A (扎郎阿) thế tước, còn con thứ Cát Lang A (吉朗阿) - chính là cụ nội của Từ Hi Thái hậu.

Cát Lang A, tự Ải Đường (霭堂), do là con thứ nên đành phải xuất sĩ để tiến thân, làm đến Viên ngoại lang bộ Hộ. Ông cưới Tôn Thất nữ quyến, vào năm Càn Long thứ 45 sinh ra Cảnh Thụy (景瑞), làm đến Lang trung bộ Hình. Sau Cảnh Thụy cưới Qua Nhĩ Giai thị, sinh ra hai con: con trưởng Huệ Trưng (惠徵), con thứ Huệ Xuân (惠春). Bên cạnh đó, có nguồn tư liệu từ Đài Loan ghi lại, trên Huệ Trưng còn có 1 anh cả tên Huệ Trừng (惠澂), nguyên sính con gái của Hắc Long Giang tướng quân Quả Tề Tư Hoan (果齐斯欢), nhưng chưa kịp thành hôn đã chết yểu. Tư liệu này không khớp với Ngọc điệp của nhà Từ Hi Thái hậu, tuy nhiên Huệ Trưng quả thực được gọi là [Huệ nhị thái gia; 惠二太爷], cho nên vẫn còn tồn nghi.

Từ Hi Thái Hậu ăn 300 quả dưa hấu một lần và thói quen lãng phí thức ăn đến mức đầu bếp phải lén lút ra tay sau lưng - Ảnh 2.

Gia cảnh

Phụ thân bà là Huệ Trưng, sơ kì là "Bút thiếp chức" ở bộ Lại. Năm Hàm Phong thứ 2, Huệ Trưng được phong hàm Tứ phẩm, làm đến An Huy Ninh Trì thái quảng đạo Đạo viên (安徽寧池廣太道道員). Sau, Huệ Trưng cưới Phú Sát thị thuộc Mãn châu Tương hoàng kỳ, con gái Phó đô thống Huệ Hiện (惠顯), sinh 3 nam 4 nữ, trong đó Từ Hi Thái hậu là con gái thứ 2, do Phú Sát thị vợ cả sinh ra. Vào năm Từ Hi Thái hậu ra đời, Huệ Trưng đang làm việc tại Bắc Kinh, dẫn đến một số suy đoán rằng bà cũng được sinh ra tại đó.

Ba con trai của Huệ Trưng, theo thứ tự là Chiếu Tường (照祥), Quế Tường (桂祥) cùng Phật Hữu (佛佑). Chiếu Tường sinh năm không rõ, mất vào năm Đạo Quang thứ 7; Quế Tường sinh vào năm Đạo Quang thứ 24, sinh ra Long Dụ Hoàng thái hậu. Con trai út Phật Hữu, sinh vào Hàm Phong nguyên niên, mất vào năm Quang Tự thứ 25. So về độ tuổi, có thể thấy cả ba người con trai đều là em của Từ Hi Thái hậu. Bốn cô con gái của Huệ Trưng, xét theo Trung cung đương soa vụ tạp lục (宫中档差务杂录), có đề cập việc tế tự trong nhà Từ Hi Thái hậu, và bà tự gọi là [Hiếu thứ nữ; 孝次女] - chứng tỏ bà là con gái thứ hai trong nhà. Nhưng tư liệu chị em gái của bà chỉ ghi lại 2 người em gái, một vị trường tỷ rất có thể là chết non. Hai em gái còn lại của bà, một vị sinh vào năm Đạo Quang thứ 21, được chỉ hôn cho Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn - ấy chính là Uyển Trinh. Một vị còn lại sinh năm không rõ, gả cho em trai ruột của Khánh Mật Thân vương Dịch Khuông là Dịch Huân.

Khoảng những năm 30 niên hiệu Đạo Quang, có vụ án phát sinh ở bộ Hộ, Đạo Quang Đế tiến hành điều tra. Lúc đó Cát Lang A đã từng làm quan Ngân khố Tư viên, nên trách nhiệm đều giáng lên người Cảnh Thụy, không lâu sau Cảnh Thụy bị tống giam. Con trai Cảnh Thụy là Huệ Trưng phải vơ vét tài sản mới cứu được Cảnh Thụy ra ngoài. Đây cũng là kiếp đại nạn đầu tiên trong gia đình bà. Chi Trát Lang A là chi trưởng của Khách Sơn, nhiều đời thế tập tước Nam tước, tuy nhiên vẫn khá có giao du với nhánh của gia đình bà, nên quan hệ toàn gia tương đối không tệ. Điều này minh chứng việc một người cháu dâu của Từ Hi Thái hậu, được gọi là [Nguyên đại nãi nãi; 元大奶奶], theo ghi chép cuối thời Thanh thường xuyên vào cung thăm Từ Hi Thái hậu. Nguyên đại nãi nãi là vợ của Đức Viên (德垣), trực hệ của Trát Lang A, nên còn được gọi là [Viên đại nãi nãi; 垣大奶奶].

Đánh giá tổng quan, dòng dõi Na Lạp thị của Từ Hi Thái hậu là quân công thế gia, nhưng gia đình của bà lại là dòng thứ, địa vị không mấy cao, dù không phải là thấp kém. Dẫu vậy, đời của bà tách ra khỏi nhánh đại tông không xa, cho nên tương đối có quyền thế, ông và cha bà vẫn giữ được các chức quan tương đối, bên cạnh đó hôn nhân của gia đình vẫn thuộc diện có thể liên hôn với các nhà tầm trung hoặc cao hơn, quả thực không tầm thường. Tuy không thể so với đệ nhất thế gia nhưng cũng hơn những nhà bình thường.

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang