Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt

Từ lâu, tà áo dài đã trở thành biểu trưng của giá trị văn hoá hồn Việt. Bộ quốc phục đi vào thi ca và hiện hữu trên màn ảnh như một cách con người ta thể hiện niềm tự tôn và tự hào dân tộc. Xuyên suốt hành trình này, áo dài được cách tân và sửa đổi để khoác lên chính nó khuôn diện và tư duy của con người thời đại. Tuy nhiên, có lẽ những giá trị và nét đẹp truyền thống vẫn nên được giữ lại như cái cách điện ảnh nước nhà đã và đang làm.

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước hình ảnh nữ ca sĩ nhạc đồng quê Kacey Musgraves diện trang phục áo dài theo cách phản cảm. Cụ thể cô nàng đã mặc áo dài xẻ hai tà trước sau theo kiểu truyền thống với cổ đứng và tay dài, nhưng lại không đi kèm quần dài như chúng ta thường thấy. Thay vào đó, Kacey Musgraves chỉ mặc độc chiếc nội y kiệm vải. Trang phục này được sử dụng biểu diễn trên sân khấu và phản ứng của dư luận ngay sau đó nổi lên thành làn sóng chỉ trích như một hệ quả tất yếu. 

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt

Kacey Musgraves diện áo dài theo lối phản cảm để biểu diễn trên sân khấu

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 2

Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội

Nhân cơ hội này, cộng đồng mạng cũng "đào bới" loạt ảnh diện áo dài phản cảm của hàng loạt tên tuổi lớn. Kacey Musgraves dù đã nhanh tay xoá hết loạt ảnh về bộ trang phục bị chỉ trích song khi đã làm người của công chúng, thì có những chuyện bạn không được phép sai. 

Áo dài không chỉ là quốc phục của người Việt mà còn chứa đựng tinh hoa của một vùng văn hoá xứ sở. Và cứ thế, xuôi theo dòng chảy của sự tiến bộ và văn minh, tà áo dài đi vào thi ca, đi vào điện ảnh như một cách người Việt ghi dấu quốc hồn, quốc tuý vào những sản phẩm trí tuệ của mình. Đó là nguồn cảm hứng bất tận, là phông nền đầy thi vị cho những khung hình, những thước phim giàu giá trị.

Thời gian gần đây, các tựa phim lấy đề tài học đường không hiếm, song trong bối cảnh dòng phim thị trường lên ngôi chúng ta đã ít thấy tà áo dài xuất hiện theo kiểu đặc trưng văn hoá của một dân tộc. Thay vào đó, là những chiếc váy ngắn, những bộ trang phục thời thượng trên phông nền của các trường quốc tế.

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 3

Tuy nhiên, theo cách nào đó, tà áo dài vẫn có vị thế riêng của mình. Cách đây hai năm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã mang đến màn ảnh Cô gái đến từ hôm qua - bộ phim được chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh. Mang màu sắc học đường trong trẻo, tà áo trắng góp mặt vào bộ phim như một cách tôn lên nét đẹp tinh khôi của nữ sinh giai đoạn những năm 2000. 

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 4

Trung tâm câu chuyện khai thác những xúc cảm phức tạp, những rung động đầu đời của các cô gái, cậu trai ngày trước, khiến khán giả như được sống lại quãng thanh xuân đẹp nhất đời mình. Sử dụng ngôn ngữ điện ảnh dung dị, đời thường, đi cùng nét đẹp thuần khiết của màu áo trắng, Cô gái đến từ hôm qua thời điểm ra mắt đã chiếm trọn trái tim khán giả và lấy đi nước mắt nhiều người.

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 5

Hay một câu chuyện khác ẩn chứa khát vọng to lớn hơn của điện ảnh Việt - Cô Ba Sài Gòn cũng tận dụng chất liệu từ bộ trang phục quê hương. Ra mắt vào năm 2018, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khiến công chúng bồi hồi khi mang đến màn ảnh những thước phim hiếm hoi của Sài Gòn xưa cùng ngành nghề may áo dài truyền thống. Điểm đặc biệt của áo dài chính là nó không được sản xuất hàng loạt vào giai đoạn trước. Vì vậy, người mặc phải được đo số đo cơ thể một cách cẩn thận để có được bộ áo dài vừa vặn nhất. 

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 6

Những hoạ tiết và gam màu được chọn trong phim khiến trái tim những người yêu Sài Gòn và yêu áo dài không khỏi xuyến xao. Tà áo dài trong Cô Ba Sài Gòn ngay sau đó đã bước ra đời thực và trở thành một trào lưu theo cách ít ai ngờ. Người ta cho rằng phong cách nghệ thuật và cả thời trang đều có vòng lặp tuần hoàn của nó. Khi sự du nhập văn hoá trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, khi những nền văn minh được đằm mình trong nhau để tạo thành nút giao về tư duy thẩm mỹ, thì con người thường có xu hướng đan cài giữa cái mới và cái cũ. Qua thời gian, những phong cách mới được hình thành, phát triển thành trào lưu rồi sẽ lại bão hoà theo một cách nào đấy. Để rồi những giá trị cổ điển lại lên ngôi và thống trị trong một quãng thời gian nhất định nối tiếp.

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 7

Không chỉ đề cao vẻ đẹp của bộ quốc phục, Cô Ba Sài Gòn còn khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người Việt với chất liệu quê hương và đi vào đời sống văn hoá - tinh thần cộng đồng một cách rất tự nhiên. 

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 8

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm nay, đạo diễn Victor Vũ với Mắt Biếc sẽ lại một lần nữa mang tà áo dài trắng tung bay trên màn ảnh rộng. Là phim điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Mắt Biếc mang đến một câu chuyện tuổi hồng đầy day dứt. Có lẽ sẽ là bức tranh đượm buồn song người ta vẫn chưa bao giờ mất niềm tin vào vẻ đẹp của thứ tình cảm đầy chân tâm đã được khắc hoạ.

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 9

Hơn thế nữa, tà áo dài trong Mắt Biếc đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp người con gái Huế, mang tất cả sự dịu dàng và đằm thắm của dải đất đầy chất thơ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng viết trong truyện thế này: "Trường Nữ giờ tan học là một kỳ quan đối với bọn con trai chúng tôi. Mãi về sau này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh thơ mộng của những tà áo trắng lững lờ trôi ra khỏi cổng trường như một dòng sông nghi ngút sương mù. Dòng sông ảo ảnh đó đã có một thời cuốn theo nó bao nhiêu mắt nhìn ngây ngất, những mối tình vẩn vơ và thầm lặng, đã sản sinh ra bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời”.

Áo dài - Từ quốc phục đến kì quan màn ảnh Việt 10

Ông gọi áo dài là một "kỳ quan", là nguồn cảm hứng vô tận cho "bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời". Đấy chẳng phải lối nói ngoa khi thực tế ai cũng phải thừa nhận điều này. Vì vậy không quá bất ngờ khi Mắt Biếc lại nối gót Cô Ba Sài Gòn trở thành một trào lưu về văn hoá, về cái đẹp của trang phục truyền thống người Việt và về quãng đời thanh xuân của mỗi con người.

Đã có không ít quốc gia đưa quốc phục lên màn ảnh. Song có lẽ hiếm có nền văn hoá nào lại đứng từ nhiều khía cạnh để khai thác và soi chiếu giá trị của  trang phục truyền thống và cụ thể nó bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau. Không phải vì là người Việt, nên ta tự cho mình có quyền kiêu ngạo với giá trị truyền thống Việt Nam, bởi vẻ đẹp và tầm ảnh hưởng của tà áo dài hiện nay đã lan rộng ra thế giới. Các cô gái và cả các chàng trai Việt đã có thể tự hào mang áo dài đến năm châu, đến các đấu trường nhan sắc và trí tuệ thì hà cớ gì ta lại không có quyền tự hào với hình ảnh tà áo dài trên màn ảnh quê hương?

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang