[Review] “Slumber”: lời lý giải thiếu độc đáo về hiện tượng kinh dị “bóng đè”

“Slumber” có khởi đầu khá hứa hẹn, tạo được bầu không khí căng thẳng nhưng sớm trật đường ray và đi vào lối mòn khi cố giải quyết thực thể ma quái đến từ giấc mơ.

Slumber (Tựa Việt: Giấc Mộng Kinh Hoàng) là phim điện ảnh dài đầu tay của Jonathan Hopkins trong vai trò đạo diễn và đồng biên kịch. Tác phẩm kinh dị hạng B khai thác chủ đề khá lý thú: hiện tượng “bóng đè”. Đây là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ rất thường gặp ở con người, khi cơ thể giữa lúc ngủ bất chợt tỉnh táo, nhận thức mọi việc xung quanh nhưng không cử động được, thậm chí nghẹt thở, tê dại mà không thể kêu cứu.

Dù hiếm khi gây ra tổn hại về mặt thể chất nhưng hiện tượng bí hiểm và ghê rợn này luôn khiến con người sợ hãi, vì thế, dân gian thường gắn liền nó với sự lý giải mang màu sắc mê tín. Chính điều đó đã khiến “bóng đè” thường hay xuất hiện trong các phim kinh dị, nhưng đa số chỉ là tình tiết phụ. Có khá ít các phim kinh dị thực sự xoáy sâu vào đề tài này, do đó, Slumber có được lợi thế ở chất liệu mới mẻ.

 Review “Slumber”: lời lý giải thiếu độc đáo về hiện tượng kinh dị “bóng đè”

Nhân vật chính của câu chuyện là Alice Arnolds (Maggie Q), một bác sĩ tận tuỵ làm việc tại một viên nghiên cứu và điều trị rối loạn giấc ngủ. Alice bị ám ảnh từ nhỏ bởi cái chết của người em trai – được suy đoán là do một thế lực tà ác thao túng và điều khiển khi cậu mộng du. Bản thân Alice và cô con gái nhỏ hiện tại cũng thường bị quấy nhiễu bởi ác mộng, khiến hai mẹ con luôn lo lắng.

Tuy nhiên, Alice luôn nhìn nhận tất cả những điều bất thường trên ở khía cạnh khoa học. Cho đến khi nhà Morgans đến viện cầu cứu, Alice nhận ra mọi thứ không thể giải quyết đơn giản bằng y học như cô nghĩ.

Vợ chồng Morgans đã mất một đứa con trong một tai nạn liên quan đến rối loạn giấc ngủ và hai đứa còn lại cũng đang gặp nguy hiểm. Đặc biệt là cậu nhóc Danny, người khăng khăng mình bị một ác quỷ tấn công lúc “bóng đè”. Cả gia đình ở lại viện để theo dõi. Sau khi tận mắt chứng kiến người cha tấn công mình trong trạng thái mê man, Alice đi đến kết luận chính ông là người đã gây ra thương tích cho Danny. Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đây, sau khi ông Morgan bị bắt giữ, những hiện tượng kỳ lạ vẫn diễn ra khiến các thành viên còn lại hoảng loạn. Các manh mối rõ ràng dẫn đến giả thuyết về loài ác quỷ buộc Alice phải chấp nhận và tìm cách đương đầu với nó.

 Review “Slumber”: lời lý giải thiếu độc đáo về hiện tượng kinh dị “bóng đè” 2

Một phần lớn thời lượng nửa đầu phim diễn ra trong phòng thí nghiệm - bối cảnh đơn điệu cho một phim kinh dị. Nhưng đáng khen là đạo diễn biết cách tạo ra không khí căng thẳng, bí ẩn, hấp dẫn khán giả với câu chuyện được kể. Cộng hưởng vào đó là diễn xuất nhập tâm của Maggie Q trong vai Alice. Cô thể hiện thành công thái độ nghiêm túc, quyền lực nhưng cũng đầy hoang mang của nhân vật. Thiết kế sản xuất và quay phim cũng là một điểm cộng, tạo được chất ma quái trong từng khung hình, dù câu chuyện càng về sau càng đuối sức.

Đáng tiếc là, Slumbers lại có cách giải quyết vấn đề thiếu sáng tạo sau khi thiết lập nó khá tốt. Bí ẩn về ác quỷ Night Hag được xây dựng theo motif đã quá quen thuộc của thể loại kinh dị siêu nhiên. Có thể thấp thoáng bóng dáng của những loạt phim kinh dị như The Amityville Horror hay The Exorcisttrong Slumber. Ngoài ra, vai diễn người ông gàn dở cùng đứa cháu cũng kỳ quặc nốt của Sylvester McCoy và Vincent Andriano lạc nhịp trong một bộ phim u ám, mang đến những giây phút hài hước không cần thiết khiến bầu không khí căng thẳng bị phá vỡ.

 Review “Slumber”: lời lý giải thiếu độc đáo về hiện tượng kinh dị “bóng đè” 3

Nhìn chung, Slumber là một phim kinh dị không tồi nhưng không tạo ra được sự bất ngờ vì thiếu cá tính sáng tạo. Ít nhất, Slumber cũng cho thấy được khả năng chỉ đạo của Jonathan Hopkins. Nhà làm phim này có thể làm ra những tác phẩm tiến bộ hơn nếu có trong tay kịch bản hay hơn.

Theo Muzuco

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang