“Lời nguyền gia tộc”: Khi bộ phim như một lời nguyền

Nỗ lực tiếp cận dòng phim thương mại của đạo diễn Đặng Thái Huyền với phim kinh dị “Lời nguyền gia tộc” chưa thực sự gây được ấn tượng.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền của điện ảnh quân đội từng có thế mạnh là những bộ phim về số phận con người mang nặng nỗi đau chiến tranh thời hậu chiến. Sau bộ phim Người trở về, chị chính thức dấn thân vào thị trường điện ảnh thương mại với Lời nguyền gia tộc.

Bộ phim kinh dị với sự tham gia của rất nhiều diễn viên có nghề như NSND Minh Châu, NSƯT Mỹ Uyên, Lâm Vissay, Khương Ngọc cùng với sự góp mặt của các diễn trẻ từng gây chú ý trên mạng xã hội như Tuấn Trần, Phi Huyền Trang…   Lời nguyền gia tộc cũng đánh dấu sự tái xuất của ca sĩ Phương Thanh với ca khúc Tình yêu xa rồi của nhạc sĩ Viết Thanh.

“Lời nguyền gia tộc”: Khi bộ phim như một lời nguyền

Nội dung bộ phim xoay quanh câu chuyện về sự trả thù đáng sợ của một ma nữ ôm hận vì bé gái họ Đoàn mà cô vừa sinh hạ bị ruồng bỏ và sát hại ngay trong căn biệt thự của gia tộc. Ma nữ đã đặt lời nguyền làm cho họ Đoàn “tuyệt sinh tuyệt tự”. Phim bắt đầu từ khoảnh khắc Nam (Tuấn Trần), đứa cháu nội của dòng họ này trở về sau thời gian dài du học ở nước ngoài. Mọi rắc rối, uẩn khúc được “kể” trong những giấc mơ đứt đoạn của Nam tại căn biệt thự mà cô gái bí ẩn có vẻ ngoài ma mị (Yu Dương) đón ở sân bay rồi dẫn anh đến theo sự sắp đặt của người mẹ. Hàng loạt diễn biến lạ lùng đáng sợ xảy đến khi gã hàng xóm kỳ quặc Hom (Khương Ngọc) rồi người bạn gái của Nam (Phi Huyền Trang) xuất hiện. Khi Nam dần dần khám phá ra những bí mật đang bị che giấu cũng là lúc anh phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã, oan trái của gia tộc mình...

Có xuất phát điểm là câu chuyện về đề tài kinh dị trên nền tảng câu chuyện về tình yêu, thù hận, sự hi sinh và luật nhân - quả nhưng cách xử lý khuôn sáo, cũ mòn trong kịch bản và dàn dựng khiến Lời nguyền gia tộc không tạo được sức hút từ những phút đầu tiên. Lối hóa trang liêu trai lộ liễu cho nhân vật cô gái đến đón Nam của Yu Dương ngay từ đầu đã bật công tắc cảnh giác cho người xem.

“Lời nguyền gia tộc”: Khi bộ phim như một lời nguyền 2

Tiếp sau đó, các cảnh hù dọa đa số đều được dàn dựng từ phản ứng sợ trước của nhân vật rồi mới đến màn hù nhát khiến mọi nỗ lực làm quá các cảnh máu me hay thiết kế âm thanh gây giật mình sau đó không còn tác dụng. Việc Nam bị đưa đến biệt thự, gặp hết cảnh đáng sợ này đến cảnh đáng sợ khác mà vẫn không hề thắc mắc vì sao mẹ lại dẫn mình đến đây, kiên trì chờ người yêu đến để bị hù dọa cũng làm cho bộ phim thiếu đi cái cớ thuyết phục người xem từ đầu. Cấu trúc phim lỏng lẻo, các cảnh hù dọa dễ đoán, cùng với độ chênh rõ rệt trong diễn xuất kịch hóa của dàn diễn viên kỳ cựu và lối diễn xuất bản năng của các diễn viên trẻ đã làm cho khán giả rơi vào cảm giác chưng hửng ở nhiều cảnh quay.

Có ngoại hình đẹp kiểu Hàn Quốc nhưng diễn xuất của Tuấn Trần thiếu sức hút, đặc biệt ở những cảnh tình cảm. Lối làm quá, sự sến súa trong cách nhả thoại của anh mang đến nhiều tiếng cười ngỡ ngàng, ít nhiều cũng giải tỏa căng thẳng so với các cảnh hù dọa nhưng nhìn chung lạc quẻ. Khá hơn một chút với lần đầu chào sân điện ảnh, Phi Huyền Trang cho thấy lợi thế về ngoại hình gợi cảm và nỗ lực dấn thân khi diễn ngọt cảnh nóng với nam diễn viên Lâm Vissay. Tuy nhiên, càng về sau, hot girl Ghiền mì gõ càng diễn xuất gượng gạo khi thể hiện biến chuyển tâm lý giữa hai nhân vật của quá khứ và hiện tại. Diễn xuất của NSND Minh Châu, NSƯT Mỹ Uyên, Lâm Vissay ổn định nhưng họ không có nhiều đất thể hiện.

“Lời nguyền gia tộc”: Khi bộ phim như một lời nguyền 3

“Thảm họa” của phim chính là Khương Ngọc trong vai Hom hàng xóm, nhân vật có vai trò kết nối, hé lộ bí ẩn lời nguyền. Lối hóa trang bôi mặt bôi răng kiểu hài sân khấu, lối cười vô duyên vô cớ, lối thoại tưng tửng và kiểu trừng mắt nghẹo cổ cố tình hù dọa khiến nhân vật Hom của anh đúng kiểu cố tình gây chú ý nhưng không tạo chút thiện cảm nào. Có vẻ như đạo diễn đã cho phép Khương Ngọc tự phá cách nhân vật để thể hiện cá tính của mình. Với cách chọn nhân vật dẫn dắt câu chuyện như vậy, Lời nguyền gia tộc dù có điểm cộng là phần góc máy, cảnh quay, âm nhạc và âm thanh đều được chăm chút kỹ càng nhưng không thể là một bộ phim chỉn chu, chưa nói đến việc trở thành một bộ phim hay.

Có một sự tình cờ thú vị trong điện ảnh Việt Nam là các đạo diễn, sau khi làm phim hậu chiến thì sẽ làm phim kinh dị với ý niệm “lời nguyền”. Cách đây 5 năm, đạo diễn Sống trong sợ hãi Bùi Thạc Chuyên từng thử sức với Lời nguyền huyết ngải, giờ lại có đạo diễn Đặng Thái Huyền của Người trở vềcho ra mắt Lời nguyền gia tộc. Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đánh dấu bước chuyển để tiếp cận với số đông khán giả ở thể loại phim kinh dị của hai đạo diễn có nghề đều chưa thực sự ấn tượng.

Theo Muzuco

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang