"Godzilla Resurgence" - Nhật Bản dưới góc nhìn điện ảnh

Giữa khung cảnh cháy nổ, khói mù chết chóc và những tiếng kêu thảm thiết của người Nhật trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp mang tên Godzilla là sự bất lực tận cùng của cỗ máy chính quyền.

5 năm trước ngày công chiếu Godzilla Resurgence (Shin Godzilla) – tác phẩm Godzilla đầu tiên của Nhật sau hơn một thập kỉ - bờ biển phía Đông Bắc của nước này đã bị nhấn chìm bởi một thảm họa động đất và sóng thần khủng khiếp, qua đó dẫn đến một trong những sự cố rò rỉ phóng xạ lớn nhất trong lịch sử hiện đại tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

 Godzilla Resurgence - Nhật Bản dưới góc nhìn điện ảnh

Phần đông công dân Nhật không nắm rõ tin tức chính xác về thảm họa đã xảy ra, cho tới tận 3 tháng sau; thậm chí chính quyền Nhật còn không dám dùng từ ‘meltdown’ trong thông cáo về tình trạng của nhà máy hạt nhân (meltdown - hiện tượng lõi lò phản ứng hạt nhân chảy tan). Trong buổi phỏng vấn với một tờ báo quốc dân vào năm 2014, nhà văn Haruki Murakami đã cho rằng đây là căn bệnh nan y của người Nhật: tự biến bản thân thành nạn nhân một cách thiếu trách nhiệm.

“Chưa có cá nhân nào thực sự đứng ra nhận lỗi cho sự việc dẫn đến kết thúc của Thế Chiến Thứ 2 năm 1945 hay sự cố tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011 hết,” ông nói. “Tôi sợ là cứ như thế ai cũng nghĩ rằng động đất và sóng thần chính là hai kẻ gây tội lớn nhất còn chúng tôi đều là nạn nhân.

 Godzilla Resurgence - Nhật Bản dưới góc nhìn điện ảnh 2

Đạo diễn của Resurgence là Hideaki Anno - thần tượng của phần đông dân số Otaku toàn cầu (thuật ngữ chỉ người hâm mộ cuồng nhiệt truyện tranh và hoạt hình Nhật), bộ óc đằng sau tác phẩm hoạt hình kinh điển của Nhật Neon Genesis Evangelion - không hề ngại ngùng gì với việc thể hiện những cảnh tàn phá chết chóc lên màn ảnh. Bất kể đó là qua hình ảnh hay qua cảm xúc, Hideaki Anno thành công trong việc biến quái vật khổng lồ Godzilla thành hình tượng ẩn dụ của một cơn đại sóng thần.

Hiện hữu trong Resurgence là những điều nhiều người không may mắn đã tận mắt chứng kiến vào năm 2011: Khung cảnh hỗn loạn khi xe cộ và tàu thuyền bị cuốn trôi và chất đống thành hàng tại rìa con kênh do sức đẩy của sóng dữ; người làm công tác cứu trợ cùng các chính trị gia trong những bộ quần áo cách ly dùng mọi ngôn từ có thể để miêu tả về những thiệt hại mà thảm họa để lại.

Nhưng trong nửa đầu phim, cái sự tàn ác và quái thai ấy không có xuất xứ từ tự nhiên hay do tưởng tượng – cội rễ của nó nằm ở bộ máy quan liêu của chính quyền. Đó là bộ máy vận hành bởi một phần thiểu số đầy tớ lãnh đạo của nhân dân, những cá nhân ăn mặc trang phục chỉnh tề và chỉ biết lo nghĩ cho sự nghiệp chính trị về sau của mình; họ tiến hành mọi thứ theo nghi thức đã đặt ra vì ngại đưa ra quyết định, qua đó giúp bản thân trốn tránh trách nhiệm một cách dễ dàng hơn.

Những tay viên chức và những cuộc thảo luận không hồi kết của họ chiếm thời lượng phim nhiều đến nỗi, khi Godzilla xuất hiện, đối với khán giả sinh vật dị biến khổng lồ này như một vị cứu tinh vậy. Ít ra khi Godzilla xuất hiện, điều đó sẽ kèm theo cái tiếng gầm vang trời mà bao nhiêu người yêu điện ảnh đã quá đỗi quen thuộc, rồi khung cảnh biến chuyển liên tục bất cứ đâu nó đặt chân tới – thay vì những lão già trong y phục công sở với những câu nói và hành động dễ đoán.

“Tiêu diệt nó, bắt giữ nó và tống khứ nó,” một quan chức chính phủ nói, trong bối cảnh hiểm họa diệt chủng đang cận kề Tokyo. Nghe vậy, một đồng nghiệp của ông trả lời: “Nó ở đây là ai vậy?”

 Godzilla Resurgence - Nhật Bản dưới góc nhìn điện ảnh 3

Tất nhiên, chuyện đả kích sự bất tài của chính phủ quan liêu không phải thứ gì mới trong phim ảnh. Nhưng đối với khán giả Nhật, trong Resurgence, hình ảnh ‘đấng bầy tôi trung thành’ của nhân dân năm lần bảy lượt ấp a ấp úng tìm ra câu trả lời hợp lý cho khủng hoảng phóng xạ, nó gần gũi với thực tế hơn bao giờ hết.

Resurgence (Shin Godzilla dịch ra là Godzilla ‘mới’ hoặc ‘thật’) là phim do người thật đóng đạt doanh thu nội địa cao nhất năm ngoái, trở thành phim thành công nhất về mặt thương mại của loạt phim về Godzilla và dành tận 7 Giải của Viện Hàn lâm Nhật Bản. Phân tích của nhà văn Murakami về tình trạng tại quê hương mình đã được chuyển hóa lên màn ảnh, và âm vang của nó lan rộng đến mọi tầng lớp công dân Nhật.

 Godzilla Resurgence - Nhật Bản dưới góc nhìn điện ảnh 4

Một giả thuyết thường được đặt ra khi nhắc đến tác phẩm gốc của loạt phim này (công chiếu năm 1954) đó là con quái vật khổng lồ hư cấu tên Godzilla ấy là ẩn dụ biểu tượng cho hai vụ tấn công bom nguyên tử của Mỹ lên thành phố Hiroshima và Nagasaki, hay vụ thử bom nhiệt hạch của Mỹ tại đảo san hô vòng Bikini đã gây thiệt hại lên thuyền bè địa phương và khiến ít nhất một người tử vong gần thời điểm phát hành phim.

Nhưng nhà phê bình văn học Norihiro Kato cho rằng Godzilla là hiện thân đầy vẻ oán trách và phẫn nộ của khoảng 3,1 triệu binh sĩ và dân thường đã tử nạn trong Thế Chiến Thứ 2, những con người đã gần như bị đẩy sang một bên trong lúc cả nước Nhật cúi đầu tủi hổ chào đón những binh đoàn Mỹ đến chiếm đóng quê nhà – qua một thỏa thuận đồng minh về kinh tế và quân sự kéo dài cho đến tận hôm nay. Kato lại đặt ra câu hỏi mà nhiều khán giả đặt ra với một phần châm biếm: Tại sao Godzilla luôn trở lại nước Nhật? Tại sao không phải là nước Úc, New Zealand hay Singapore?

 Godzilla Resurgence - Nhật Bản dưới góc nhìn điện ảnh 5

Câu hỏi muôn thuở ấy đã được lặp lại trong Resurgence, khi một viên chức bực dọc mà thốt lên: “Tại sao nó cứ đến đây?” Người Mỹ trong phim được thể hiện qua hình ảnh những cá thể thờ ơ, suy nghĩ một chiều và không tỏ vẻ lo ngại mấy trước hiểm họa hạt nhân di động đang đến gần; qua hình tượng nhân vật người Mỹ gốc Nhật Kayoko Anne Patterson, đại biểu chính quyền Hoa Kỳ, một người ăn nói lỗ mãng và chỉ biết quan tâm đến bản thân – ngược lại hoàn toàn với giáo lý văn hóa xứ sở hoa Anh Đào.

Nhưng mục tiêu chỉ trích lớn nhất của phim vẫn là Nhật Bản, trong tư cách là một quốc gia. Với một câu chuyện đầy rẫy những cá nhân chỉ biết đổ lỗi cho nhau hoặc dựa dẫm vào nhau, Resurgence như muốn nói lên rằng sự tàn phá và nguyên nhân diệt vong đều do tự thân gây nên chứ không phải do bất cứ thế lực siêu nhiên nào.

Theo The Guardian

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang