“Baby Driver”: Khi hành động và âm nhạc hoà chung nhịp đập

Bộ phim mới nhất của đạo diễn cá tính Edgar Wright là tác phẩm đột phá với những cảnh hành động được kết hợp nhịp nhàng, chân thực và mãn nhãn cùng phần âm nhạc bùng nổ.

Giữa mùa phim hè đầy rẫy các bom tấn tràn ngập CGI, Baby Driver xuất hiện như nhân tố độc nhất, chứng minh một phim giải trí hạn chế kỹ xảo vẫn có thể xuất sắc đến mức nào. Tác phẩm tạo ra sự đột phá mang tính tiên phong khi kết hợp hoàn hảo âm nhạc vào một phim hành động thuộc dòng siêu trộm.

Khi lần đầu nghe bài Bellbottoms của ban nhạc The Jon Spencer Blues Explosion cách đây hơn hai thập kỷ, Edgar Wright chỉ nghĩ đơn giản rằng nó sẽ là nhạc nền hoàn hảo cho cảnh ô tô rượt đuổi. Đến năm 2003, vị đạo diễn cá tính chợt nảy sinh ý tưởng kết hợp âm nhạc vào một cảnh tội phạm tẩu thoát sau khi thực hiện MV Blue Song cho Mint Royale. Dự án tiếp tục được thai nghén nhưng chưa có cơ hội thực hiện vì phải ưu tiên cho những bộ phim khác. Chỉ khi rời khỏi Ant-Man năm 2014 vì bất đồng quan điểm sáng tạo, Edgar Wright mới có dịp khởi động lại dự án dang dở và cho ra tuyệt phẩm Baby Driver.

“Baby Driver”: Khi hành động và âm nhạc hoà chung nhịp đập

Bộ phim xoay quanh chàng trai có biệt danh Baby (Ansel Elgort), một tay “quái xế” làm việc cho ông trùm tội phạm Doc (Kevin Spacey). Baby luôn đeo tai nghe để đuổi tiếng ồn ra khỏi tai – một khiếm khuyết để lại sau vụ tai nạn cướp đi mạng sống của cha mẹ cậu. Tình cờ gặp gỡ và yêu cô hầu bàn xinh đẹp Debora (Lily James), Baby quyết tâm cùng nàng cao chạy xa bay sau phi vụ cuối cùng. Thế nhưng, Doc lấy tính mạng của Debora và người cha nuôi ra uy hiếp, buộc Baby phải tiếp tục thực hiện những vụ cướp ngân hàng nguy hiểm. Đó cũng là tình huống đẩy cậu vào thế đối đầu với những tay tội phạm cùng tổ chức.

Baby Driver hiện thực hoá ý tưởng năm xưa bằng cảnh tẩu thoát khỏi một vụ cướp theo giai điệu của Bellbottoms. Trường đoạn mở đầu phức tạp được dàn dựng vô cùng công phu mà không sử dụng kỹ xảo. Để có được những góc quay độc đáo, Edgar Wright thậm chí còn ngồi trực tiếp trên xe chỉ đạo cho dàn diễn viên thực hiện các cảnh quay tốc độ cao. Không miêu tả nhiều diễn biến trong vụ cướp, Wright tập trung vào cảnh tẩu thoát ngoạn mục. Vừa bắt nhịp với bộ phim, khán giả đã bị cuốn vào một cuộc đua nghẹt thở với những màn tăng tốc, luồn lách, va chạm, những cú đánh vòng hết bánh lái. Cảnh quay chân thực mà cũng đầy kịch tính và mãn nhãn này khiến khán giả nhớ đến các pha hành động trong hai siêu phẩm Mad Max: Fury Road (2015) và Logan (2017).

Khác với những màn “bay nhảy” nặng yếu tố CGI của các phần Fast & Furious gần đây, những đường lái mượt mà và liều lĩnh của Baby gây thoả mãn khi tuân thủ các quy tắc vật lý. Thậm chí, mọi cảnh quay đều được tính toán hết sức chi li đến từng khung hình. Để làm được điều này, Wright đã cộng tác với Ryan Heffington – chuyên gia từng thực hiện nhiều MV cho ca sĩ Sia, để biên đạo toàn bộ các cảnh quay sao cho khớp nhịp với những bản nhạc phim. Không phải ngẫu nhiên Baby bắt các tay trộm phải xuất phát đúng thời điểm anh bật nhạc. Mọi diễn biến trong phi vụ tẩu thoát, từ lúc đột nhập ngân hàng, quay trở lại xe, nhấn ga khởi động đến những màn điều khiển xe quái chiêu trên cao tốc, đổi xe để đánh lạc hướng cảnh sát và kết thúc cuộc đua ở một bãi xe bí mật, tất cả đều ăn khớp giai điệu của bài hát. Đó là điểm làm nên sự khác biệt của Baby Driver: bộ phim như thể một MV dài 2 tiếng đồng hồ mà ở đó, câu chuyện và âm nhạc đã hoà quyện cùng nhau cả cảm xúc, giai điệu và hành động.

“Baby Driver” mang đến những cảnh hành động chân thực nhưng đầy kịch tính

Kết thúc cảnh mở đầu, phim tiếp nối bằng một cú máy dài khá ấn tượng theo chân Baby nhún nhảy theo nhạc, dạo qua các con phố để mua cà phê về cho đồng bọn. Và, một nhân vật điện ảnh độc đáo đã ra đời theo cách như thế. Baby được nhớ đến với ngoại hình thư sinh, đeo kính râm, sở thích nghe nhạc bằng iPod và hay ghi âm lại những đoạn thoại hằng ngày để phối chúng thành bài hát. Nhưng khi đã ngồi sau tay lái, Baby là một thế lực đáng gờm. Chàng quái xế làm nhiệm vụ chuyên chở những tên cướp về hang ổ an toàn khiến Doc tin tưởng hơn tất cả tên thuộc hạ nào khác. Baby dễ gợi liên tưởng đến nhân vật của Ryan Gosling trong Drive (2011) nhưng khác biệt ở sự nhạy cảm và bị chi phối bởi các mối quan hệ khó lường với các tay tội phạm. Mối quan hệ này được dẫn dắt qua nhiều tình tiết căng thẳng ngay sau đó và được bóc tách dần trong hai phi vụ tiếp theo mà Baby buộc phải thực hiện. Bộ phim tiếp tục phô diễn những cảnh hành động đẹp mắt và đa dạng, loại dần tuyến phản diện để dẫn đến cuộc đối đầu cân não cuối phim.

Một điểm hay của Baby Driver là xây dựng thành công hệ thống các nhân vật cả chính lẫn phụ, với những bước ngoặt bất ngờ mà họ gây ra, khiến câu chuyện không thể dự đoán trước. Mỗi một nhân vật trong nhóm tội phạm để lại ấn tượng riêng biệt qua màn hoá thân tuyệt vời của dàn diễn viên. Ansel Elgort từng được yêu thích trong The Fault in Our Stas (2014) nhưng chính Baby mới là vai diễn đột phá của anh. Nam diễn viên trẻ thể hiện xuất sắc cả những pha hành động lạnh lùng, những khoảnh khắc “phiêu” nhạc đầy nghệ sĩ và những phân đoạn tâm lý đòi hỏi khả năng diễn xuất. Với Baby Driver, Elgort chứng minh mình hoàn toàn có tiềm năng trở thành một “leading man” thế hệ kế tiếp của Hollywood.

“Baby Driver”: Khi hành động và âm nhạc hoà chung nhịp đập 2
Ansel Elgort đột phá với vai diễn chàng quái xế Baby

Tài tử gạo cội Kevin Spacey thể hiện bản lĩnh của một ông trùm lọc lõi, quyết đoán trong mọi nước cờ nhưng cương – nhu đúng lúc và sẵn sàng bảo vệ những điều mà ông cho là đúng đắn. Tố chất của nhân vật và lối diễn của Spacey gợi nhắc vai Tổng thống Frank Underwood trong series truyền hình House of Cards vốn được nam diễn viên thể hiện rất thành công.

Một gương mặt từng đoạt giải Oscar khác – Jamie Foxx cũng không kém cạnh đàn anh khi nhập vai Bats - tên giang hồ cục súc, bạo mồm, một quân bài khó lường có thể mang đến hiểm hoạ bất cứ lúc nào. Những màn đối đáp thô bạo và độc thoại hùng hồn nhưng hài hước của Bats có nhiều điểm tương đồng với tay sát thủ Jules do Samuel L. Jackson đóng trong Pulp Fiction (1994). Và còn đó bộ đôi đẹp mã nhưng điên loạn – cặp tình nhân Buddy (Jon Hamm) và Darling (Eiza González). Có thể nói, tên cướp Buddy với ánh mắt chuyển từ kẻ si tình sang tên giết người như không là vai diễn điện ảnh thành công nhất tính đến nay của tài tử Mad Men.

Giữa thế giới đầy tội lỗi đó, bóng hồng Debora xuất hiện như ánh sáng cứu rỗi cuộc đời Baby. Hoá thân vào cô nàng yêu kiều, duyên dáng đó là Lily James. Dù chia sẻ đất diễn với dàn diễn viên khá đông đúc và nổi bật, cô vẫn toả sáng và mang đến những khoảnh khắc lãng mạn cho bộ phim. Tương tác tuyệt vời của Lily James và bạn diễn Ansel Elgort qua những đoạn hội thoại đáng yêu hay cách mà cô ngân nga từ B-A-B-Y bằng từng chữ cái thậm chí đã làm lu mờ hình ảnh cô công chúa Lọ Lem do chính cô thể hiện cách đây hai năm.

Điều đáng tiếc là Debora không được xây dựng chi tiết hơn, dẫn đến nhân vật thiếu chiều sâu. Quá khứ của Debora chỉ được nhắc đến thoáng qua với vài câu thoại về người mẹ mất sớm và những quyết định quan trọng mà cô đưa ra cũng vô cùng bốc đồng. Tình cảm tuổi trẻ giữa Debora và Baby chỉ xuất phát từ sự đồng điệu trong âm nhạc và tâm hồn. Nếu có thêm sự đồng cảm về hoàn cảnh để dẫn đến sự tin tưởng tuyệt đối, quyết định sống chết cùng nhau của đôi tình nhân sẽ thuyết phục hơn nhiều. Vì vậy, Debora chỉ như một nhân vật được lý tưởng hoá dù bộ phim được xây dựng khá thực tế. Giống như Debora, hồi ba của phim cũng được xử lý khá dễ dàng và an toàn, chưa tạo được sự đột phá nếu so với đoạn mở đầu hoành tráng và đầy kiểu cách.

“Baby Driver”: Khi hành động và âm nhạc hoà chung nhịp đập 3
Chuyện tình trong mơ của Baby và Debora mang đến những khoảnh khắc lãng mạn đáng nhớ cho bộ phim

Thành công của phim được quyết định bởi tài năng bậc thầy của đạo diễn Edgar Wright. Sau khi khép lại bộ ba phim hài gây tiếng vang Shaun of the Dead (2004), Hot Fuzz (2007) và The World’s End (2013) (Three Flavours Cornetto trilogy), Wright đã chuyển hướng sang lối làm phim nghiêm túc hơn, tham vọng hơn. Và với Baby Driver, anh đã đưa sự nghiệp của mình lên tầm cao mới. Dấu ấn của vị đạo diễn không chỉ thể hiện qua lối làm phim thiên về kỹ thuật mà còn ở phong cách đậm tính văn hoá đại chúng. Trước nhất là những bản nhạc đa thể loại mà Edgar Wright tự tay chọn cho Baby Driver, từ Queen, The Beach Boys, T. Rex đến Sky Ferreira hay Beck. Tiếp đến là hàng loạt biểu tượng văn hoá được cài cắm khéo léo trong từng khung hình và các cuộc hội thoại. Vì thế, Baby Driver là bộ phim mà bạn có thể xem lại nhiều lần, mỗi lần lại phát hiện ra một chi tiết thú vị trong những khung hình được sắp đặt tỉ mỉ.

Từ ý tưởng sáng tạo kết hợp giữa âm nhạc và hành động, Baby Driver trở thành một trong số ít tác phẩm đột phá của điện ảnh vài năm gần đây. Thành công ấy nhờ vào sự cầu toàn, cá tính độc đáo của Edgar Wright cũng như màn trình diễn ăn ý của dàn diễn viên.  Sở hữu đầy đủ các yếu tố hào hứng, mãn nhãn, gay cấn, hài hước và lãng mạn, Baby Driver xứng đáng là bộ phim đỉnh của mùa hè năm nay.

Theo Muzuco

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang