“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc

Bộ phim tiểu sử về viên phi công làm việc cho CIA kiêm buôn lậu tỷ phú Barry Seal do Tom Cruise thủ vai có cách thể hiện đầy hài hước, lôi cuốn nhưng chưa đủ sâu sắc để trở nên đáng nhớ.

American Made tái hiện lại cuộc đời Barry Seal, một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử nước Mỹ những năm thập niên 70 – 80. Barry Seal trước hết là một tay lái máy bay hạng “xịn”, sau giải ngũ trở thành phi công dân dụng cho hãng hàng không TWA. Công việc tẻ nhạt, lương không như mơ ước khiến một kẻ có máu liều như Seal tự khuấy động cuộc vui bằng trò hù doạ hành khách hay những vụ buôn lậu xì gà quy mô nhỏ.

“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc

Tài năng chinh phục bầu trời của Seal khiến anh rơi vào tầm ngắm của nhân viên CIA Monty Schafer (Domhnall Gleeson). Nhận được lời mời trở thành điệp viên lái máy bay trinh sát cho CIA, Barry Seal đã lập tức đồng ý. Trở thành một phần trong kế hoạch gia tăng ảnh hưởng chính trị ở khu vực Mỹ La-tinh, Barry Seal được giao trách nhiệm chụp ảnh khảo sát địa hình và bí mật cung cấp vũ khí cho nhóm quân kháng chiến. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, anh tình cờ tiếp xúc với ông trùm Jorge Ochoa và Pablo Escobar – tại thời điểm này mới chỉ đang nghĩ cách tuồn ma tuý vào nước Mỹ. Bị hấp dẫn bởi khoản ăn chia béo bở 2 ngàn đô cho mỗi ký cocaine vận chuyển thành công, Barry Seal quyết định bắt tay làm ăn cùng Jorge.

Vì là nhân viên bí mật của CIA để phục vụ cho mưu đồ chính trị của Chính phủ Mỹ, Barry Seal không những nắm rõ địa hình địa thế và đường bay có thể qua mắt các lực lượng quốc phòng mà còn được cấp trên bao che. Từ phi vụ đầu tiên trót lọt, Seal ngày càng liều lĩnh và chuyên nghiệp hơn, đỉnh điểm là việc lập nên một đội bay chuyên buôn lậu ma tuý, vũ khí. Tiền kiếm được nhiều đến mức phát hoảng, chất đầy nhà kho, chôn cả trong vườn.

Nhưng đến một lúc nào đó, hành vi phạm tội sẽ bị phát giác và vạch trần. FBI, DEA (Cục phòng chống ma tuý Hoa Kỳ) cùng hàng loạt tổ chức phòng chống tội phạm vào cuộc, gây sức ép hòng kết tội Barry Seal. Thay vì vào tù, anh bị ép phải xâm nhập và thu thập bằng chứng phạm tội tại hang ổ của những ông trùm ma tuý. Phản bội những kẻ mình từng hợp tác, anh trở thành mục tiêu thanh trừng của chúng.

“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 2
Tom Cruise và Domhnall Gleeson trong một cảnh quay.

Nhìn nhận về cuộc đời huy hoàng trong phút chốc của Barry Seal, dư luận vẫn chia thành nhiều luồng ý kiến. Nhiều người cho rằng anh ta là một kẻ vì tiền mà bất chấp đạo đức, một kẻ ác muốn tạo dựng cho riêng mình một đế chế. Số khác lại đánh giá anh là một kẻ thức thời, nhìn thấy cơ hội giữa buổi biến loạn để phất lên nhanh chóng. Thậm chí, không ít người nghĩ Barry Seal thực chất chỉ là nhân tài được “trưng dụng” cho những mưu đồ chính trị, một con tốt thí mạng che lấp cho những kẻ trục lợi tinh vi đằng sau, và hoàn cảnh đưa đẩy khiến anh bị cuốn vào vòng xoáy tội phạm.

Với nhân vật nhiều tranh cãi này, American Made chọn cách tiếp cận bằng thái độ phớt tỉnh, tập trung khai thác góc độ hài hước và trào phúng, đồng thời châm biếm nhẹ nhàng chính sách chính trị của Mỹ thập niên 80.

“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 3
Tom Cruise thực hiện nhiều cảnh lái máy bay đầy mạo hiểm trong phim.

Sau hai bộ phim gây thất vọng gần đây Jack Reacher: Never Go Back (2016) và đặc biệt là The Mummy hồi đầu hè, Tom Cruise trở lại đầy phong độ với một vai diễn được “đo ni đóng giày” cho anh. Khán giả vui mừng khi lại thấy Tom tràn đầy năng lượng và chứng tỏ đẳng cấp ngôi sao ở tuổi 55, dù Barry Seal chẳng phải là một vai diễn đột phá hay dấu mốc đáng nhớ cho sự nghiệp của anh.

Chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng chàng phi công Maverick trong Top Gun ngày nào: mắt kính phi công, nụ cười Colgate, khí thế hừng hực và những cảnh lái máy bay mạo hiểm tự đóng. Khác chăng là trong American Made, Tom Cruise thể hiện hình tượng nhân vật phản anh hùng, hấp dẫn ở sự liều lĩnh nhưng biết tính toán, cân nhắc, bản tính láu cá nhưng lại hết lòng yêu thương gia đình. Tom không cần phải cố thể hiện, anh chỉ cần hoà mình vào nhân vật và bộc lộ những tố chất làm nên thương hiệu của mình.

“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 4
Những ông trùm ma tuý của băng đảng Medellin khét tiếng buổi đầu thành lập.

Đạo diễn Doug Liman tái hiện bầu bầu không khí những năm 80 bằng phong cách làm phim giả tư liệu với máy quay cầm tay, màu phim vintage nhoè mờ. Cảnh quay rung lắc được cắt dựng nhanh đến chóng mặt trên nền những giai điệu pop hay liên khúc giao hưởng Hooked on Classics cuốn người xem vào hành trình đầy điên rồ của Barry Seal.

Các bài phát biểu của Tổng thống Jimmy Carter, Tổng thống Ronald Reagan và phu nhân Nancy Reagan, Bill Clinton – lúc đó đang làm Thống đốc Bang Arkansas, cùng một vài nhân vật khác được lồng ghép khéo léo để tái hiện không khí lịch sử và ý đồ châm biếm chính trị.

Tuy vậy, không giống như tính liều lĩnh của nhân vật chính, sự ngần ngại của đạo diễn trong cách thể hiện khiến cho câu chuyện chỉ được chạm ở bề mặt.

Barry Seal, qua màn hoá thân của Tom Cruise, là một nam chính hành động nhiều hơn một nhân vật lịch sử. Sau đoạn mở đầu hào hứng, Barry Seal nhìn vào máy quay và cảnh báo khán giả: từ đoạn này trở đi, câu chuyện sẽ trở nên cực kỳ, cực kỳ điên rồ, và bạn có thể sẽ thấy không thoải mái khi xem. Nhưng từ đó trở đi, dù tình tiết diễn ra với tiết tấu dồn dập, không có khoảnh khắc nào thực sự khiến người xem phải giật mình, phải sững sờ. Những phi vụ làm ăn phi pháp tiếp diễn, nhân vật chính luôn điềm tĩnh và hàng loạt biến cố được giải quyết nhanh gọn.

Ngoài việc làm tốt nhiệm vụ lái máy bay, buôn lậu và đau đầu tìm chỗ giấu số tiền chất đống thành núi, Barry Seal không có những chuyển biến tâm lý đắt giá. Một mặt, anh là người đàn ông hết mực yêu thương vợ con, mặt khác, anh dám gan hợp tác với băng đảng ma tuý khét tiếng nhất lịch sử. Nhưng khán giả không bắt gặp ở anh một giây phút nào tự vấn về việc làm ăn phi đạo đức, lo lắng những hiểm nguy có thể đối mặt hay suy sụp khi lỡ sa cơ.

“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 5
Lucy (Sarah Wright) có vai trò mờ nhạt trong phim.

Một nhân vật phụ quan trọng khác là cô vợ Lucy (Sarah Wright) cũng không được khai thác tốt. Ở đầu phim, Lucy còn tranh cãi với Barry về việc chuyển nhà hay nghi ngại về tính hợp pháp của khoản tiền mà chồng kiếm được. Những tưởng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tâm lý của Barry Seal nhưng sau đó, nhân vật này mất hút đằng sau những núi tiền, những bữa tiệc tequila xa hoa với vai trò của một mỹ nhân tóc vàng nóng bỏng tô điểm cho người hùng không hơn không kém.

American Made là một tác phẩm giải trí hấp dẫn, nhưng với câu chuyện và nhân vật thiếu đi chiều sâu, nó chưa thể để lại ấn tượng như các phim của bậc thầy Martin Scorsese hay một phim tội phạm khác gầy đây - American Hustle.

Theo Muzuco


Một số hình ảnh trong phim

“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 6“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 7“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 8“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 9“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 10“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 11“American Made”: hài hước, trào phúng nhưng thiếu sâu sắc 12

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang