THE PARK: Nỗi kinh hoàng đến từ công viên trò chơi

The Park có thời lượng ngắn, nhưng lại súc tích chứ không bị lưng chừng hay cụt lủn, đem đến cho người chơi những trải nghiệm hoảng sợ trong tích tắc mà không kịp phòng bị gì cả.

Tuy rằng là một game ăn theo tựa game The Secret World được phát hành trước đó của Funcom, nhưng The Park vẫn có thể đứng độc lập một mình mà không gây sự khó hiểu cho những ai chưa từng chơi qua game kia. Nó vốn dĩ đơn giản và cuốn hút bởi chính cách dẫn dắt và không khí mà nó tạo ra, làm cho mọi người chơi đều cảm nhận được điều mà game muốn họ cảm thấy. Nếu phải nói một cách công bằng, tựa game góc nhìn người thứ nhất này mang hơi hướm của một bộ phim kinh dị đa tương tác hơn là một game đúng nghĩa.

The Park screenshot

Với thời lượng tầm 70 phút, The Park dẫn bạn vào vai người mẹ lạc mất đứa con trong khu trò chơi yêu thích của nó. Đứa trẻ không mất tích hay bị sát hại, vì bạn thấy rõ con mình chạy biến vào công viên ấy, và bạn dĩ nhiên phải đuổi theo, như mọi game kinh dị phải làm. Cách chơi của game không phức tạp chút nào. Bạn theo đuôi đứa con trai, xem xét những manh mối thông tin về câu chuyện qua những mẩu thư, những bài báo tại công viên trò chơi Atlantic Island Park.

Một trong những điều khá thú vị là trong số lựa chọn điều khiển, có cả lệnh để “la rầy” đứa trẻ. Với những người chơi “thực dụng”, đây có lẽ là thứ vô cùng vô ích, khi mà tiếng la hét của người mẹ dường như chả có tác dụng gì với đứa con, và bạn không la hét cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến kết cục của câu chuyện. Song tiếng la rầy đó sẽ hé mở thêm rất nhiều điều về người mẹ này, nhân vật mà ban đầu mà ta cứ tưởng là hiền dịu đầy yêu thương.

The Park screenshot

Điểm đặc sắc của The Park chính là từ gameplay đơn giản của nó, nó đơn giản tới nỗi bạn sẽ không thể cưỡng lại được mà “đụng chạm” tới mọi thứ xuất hiện trong game, xem xét nó và rợn da gà với những gì bạn tìm thấy. Kiểu kinh dị mà The Park đem tới cho người chơi giống như sự bất lực và ép buộc của một kẻ quan sát, chỉ có thể la hét. Và buồn cười thay, chúng ta không dứt ra được, mà đó cũng chính là cảm xúc của người mẹ kia khi bước vào khu trò chơi, chơi hết trò này đến trò khác trong nỗi kinh hoàng pha lẫn tuyệt vọng tột đỉnh.

Đứa con trai sẽ dẫn bạn đi đến năm khu trò chơi trong công viên Atlantic Island Park, và bạn sẽ phải bước lên những chuyến đi trải đầy sự hoảng sợ hoang mang, cũng sẽ là hành trình từ sự tỉnh táo đến mất trí trong người mẹ đáng thương. Càng về sau, thế giới trong game càng hạn chế dần đi những lựa chọn hành động của bạn, ép buộc bạn vào nhịp độ cảm xúc của nó. Dần dà bạn nhận ra mình đã quên mất mục tiêu của mình đến công viên này là để làm gì, khi thực tại và những điều quái đản liên tục đan xen, ngay cả nội tâm của bạn – tức người mẹ – cũng liên tục đi từ sự lo lắng đến sự phẫn nộ trước đứa con không vâng lời. Bạn nhận ra mình đã bị nuốt chửng trong cảm xúc tiêu cực mà công viên ma quái đó đem tới, cũng như cách nó nuốt chửng đứa con của bạn.

The Park screenshot

Có lẽ như tận sâu trong tâm trí của mỗi người luôn mang một phức cảm hiềm khích khó giải thích với trẻ con và những gì liên quan đến chúng. Lũ trẻ là những sinh vật nhỏ bé cần sự yêu thương, không phải thế sao, nhưng tại sao đôi lúc ta lại cảm thấy căm ghét sự vô tư đến ngỗ nghịch của chúng, lại cảm thấy những thứ thuộc về chúng có chút gì đó ghê sợ vô cùng. Phải chăng vì thế nên chúng ta ngờ vực từng câu chuyện cổ tích? Từng nụ cười của bọn hề? Bởi vì chúng liên quan đến bọn trẻ con? The Park đã làm rất tốt khi đào sâu vào thứ phức cảm tiêu cực này.

Người mẹ đơn thân với những bất ổn định tâm lí đối nghịch trong mình, câu chuyện cổ tích quen thuộc của hai đứa trẻ với ngôi nhà kẹo ngọt đột nhiên trở nên rùng rợn đẫm máu, hay những con mascot động vật đáng yêu cũng không đáng yêu như chúng ta tưởng. Chính bối cảnh công viên trò chơi cũng đã khiến người ta bất giác lạnh gáy khi nhắc đến, ngoài những vòng xoay ngựa gỗ nhiều màu sắc chính là những ông kẹ bắt cóc trẻ con lẩn khuất trong bóng tối, những tai nạn thảm khốc trên ngay những trò chơi con nít.

The Park screenshot

Điều sẽ gây cho người chơi cảm giác khó chịu nhất có lẽ chính là cách người mẹ thể hiện tình yêu cho đứa con của mình, đồng thời khẳng định rằng đứa trẻ đó đã cướp đi tất cả những điều tốt đẹp trong đời bà ta, rằng nó nợ bà ta tất cả những thứ trên đời. Tại sao lại khó chịu đến mức run sợ? Vì không ai có thể chối rằng, trong đời mình chưa một lần có những suy nghĩ tương tự.

Câu chuyện của The Park không mới, với những con dân yêu thích kiểu game có nội dung đen tối vặn xoắn hẳn có thể đoán lờ mờ được cốt truyện ngay từ giữa game, song không vì thế mà bạn có thể rời mắt khỏi The Park. Như đã nói, chính cách dẫn dắt mới là thứ thu hút nhất của game này, chưa kể những màn hù dọa lẫn câu chuyện xuyên suốt đều chất và khiến bạn rợn gáy.

Không phải là một game có cấu hình cao hay thời lượng chơi khủng, song với cách xây dựng câu chuyện và tình tiết hấp dẫn, và hơn hết, người làm game biết cách dừng lại đúng lúc để game kịp tròn đầy trước khi bị nhàm chán vì gameplay đơn giản cùng đồ họa trung bình của mình; The Park có thể xem như thành công khi truyền tải được điều mà nhà sản xuất muốn nó đạt được. Có người sẽ thấy hụt hẫng và không đủ, có người sẽ thấy nó không có đủ yếu tố của một game đúng nghĩa, nhưng chắc chắn những trải nghiệm mà The Park đem tới không hề mờ nhạt, và bạn sẽ không thể dễ dàng quên nó đâu.

 

The Park đã được phát hành từ 27.10.2015 và mọi người có thể dễ dàng mua game trên Steam với giá 13 USD.

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Genshin Impact chịu phạt 20 triệu USD trước những cáo buộc vô lý từ Ủy Ban FTC tại Mỹ

Genshin Impact chịu phạt 20 triệu USD trước những cáo buộc vô lý từ Ủy Ban FTC tại Mỹ

Khoa Nguyen

Trước những cáo buộc vô lý từ Ủy ban FTC về việc Genshin Impact sử dụng hình ảnh trẻ em để dụ dỗ trẻ cùng tuổi vào chơi game gacha, Hoyoverse hoàn toàn phủ nhận những ý kiến này nhưng vẫn buộc phải nộp phạt với mức 20 triệu USD để hai bên cùng thỏa thuận hướng đi mới.

Game Online
Lên đầu trang