Let It Die: Tựa game hành động độc đáo và mới lạ

Let It Die là game độc quyền free-to-play trên PS4, pha trộn giữa Dark Souls với kiểu hài lạ thường đúng phong cách Suda51. Nhưng lần này nó lại đi kèm với… bán vật phẩm ảo.

Việc bất ngờ phát hành tựa game mới mà không kèn không trống không phải là việc thường thấy. Sony có thói quen phát hành các bản demo mới cho các game độc quyền vào cùng thời điểm các cuộc họp báo quan trọng. Thế nên việc họ chính thức ra mắt Let It Die trong sự kiện PlayStation Experience vừa qua quả thật là điều bất thường. Thế nhưng, bất thường đích thực là thứ mà bạn có thể trông đợi từ một tựa game lấy cảm hứng từ Dark Souls, siêu bạo lực và là game free-to-play.

Let It Die ban đầu có tựa là Lily Bergamo, với vai chính là một nhân vật nữ mang tên Tae Ioroi. Lily Bergamo khi đó lấy bối cảnh năm 2043 và thế giới trong game được pha trộn giữa văn hóa Nhật bản và phương Tây. Đáng tiếc, vào cuối năm 2013, nhiều thay đổi được điều chỉnh trong Lily Bergamo: đổi tên game thành Let It Die và thay đổi gameplay, dời lịch phát hành từ năm 2014 sang 2016. Kết quả là trò chơi vừa chính thức phát hành vào 3/12/2016.

Cái tên Goichi Suda (‘Suda51’) có lẽ không lạ với một số người chơi. Đây là người đứng đầu studio Grasshopper Manufacture và khá nổi tiếng trên các hệ console cũ với các tựa game hành động siêu thực như killer7, No More Heroes và Shadow of The Damned. Sau thất bại về mặt thương mại với Killer Is Dead năm 2013, Suda51 đã im hơi lặng tiếng từ đó. Tựa game này, theo đánh giá của nhiều người chơi, thì gần như chỉ xào lại từ các game cũ của Suda51.

Nếu không tính bản remake của tựa game cũ The Silver Case mới xuất hiện trên PC vài tháng trước, thì Let It Die là tựa game đầu tiên mà studio này phát hành cho thế hệ console hiện tại. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của Grasshopper Manufacture sau khi bị GungHo Online Entertainment thâu tóm đầu năm 2013.

Trên thực tế, Suda51 chỉ giữ vai trò giám đốc sản xuất trong Let It Die. Nhưng điều này cũng chẳng khiến trò chơi bớt “dị” chút nào so với các đàn anh đàn chị của nó, chẳng hạn như Lollipop Chainsaw. Chất “dị” này đến từ nhân vật và bối cảnh, cho đến sự thật cay đắng đây là một game chơi đơn free-to-play. Sự thay đổi lớn này có vẻ trở thành vấn đề lớn nhất của Let It Die, đến mức mọi thứ khác dường như chỉ còn là chi tiết nhỏ nhặt.

Điều khiến tôi ngạc nhiên ở chỗ cốt truyện của Let It Die có vẻ nằm trong số những yếu tố ít kỳ quái hơn. Nội dung xoay quanh việc nhân vật của người chơi dấn thân vào một trò chơi tìm đường lên đỉnh tháp khổng lồ. Nhưng không chỉ có vậy, Let It Die còn có một dàn nhân vật kỳ quái nhất mà lâu rồi tôi mới thấy trong game. Nói thì vậy nhưng bạn cũng không cần phải quan tâm đến điều này lắm đâu, khi nào cầm DualShock 4 trải nghiệm bạn sẽ biết.

Let It Die

Dàn nhân vật “dị hình” trong Let It Die

Mặc dù có vẻ như đội ngũ phát triển đã “tham khảo” khá nhiều từ Dark Souls, nhưng Let It Die không hẳn là một bản sao chép thuần túy. Ngoài việc sử dụng súng ra, các hành động góc nhìn thứ ba đều khá quen thuộc, như màn lăn lộn giống trong Dark Souls chẳng hạn. Let It Die còn có thêm một vài thứ tạo sự khác biệt, ví dụ yếu tố vay mượn từ dòng game roguelike là các màn chơi trong mỗi tầng tòa tháp đều được tạo dựng ngẫu nhiên. Có nghĩa là bạn không bao giờ gặp một màn chơi lần thứ hai, bất kể bạn chơi lại bao nhiêu lần chăng nữa. Tuy nhiên, Tuy nhiên, đáng chê trách là các màn chơi được thiết kế tuyến tính và trông khá tẻ nhạt.

Bên cạnh việc người chơi khởi đầu với một nhân vật “trống vắng” theo mọi nghĩa, kể cả… quần áo, một thực tế khó chấp nhận là khi chết bạn sẽ mất luôn nhân vật. Tiền không phải là tất cả, nhưng tiền có thể mua được rất nhiều thứ và điều đó hoàn toàn đúng trong Let It Die. Bạn có thể dùng tiền để “hồi sinh” cho nhân vật.

Cá nhân tôi không ưa mô hình bán vật phẩm ảo, và tin rằng có không ít người chơi game khác cũng chung quan điểm này. Tuy nhiên trong Let It Die, các vật phẩm này không chỉ đơn thuần là những thứ để tô điểm thường thấy. Dù vậy, đây hoàn toàn không phải là dạng game “nhiều tiền làm trùm”. Bạn không nhất thiết phải mua trang bị với “tiền” Death Metal. Cơ chế của nó khá giống các tựa game “miễn phí” hay freemium trên điện thoại thông minh, bạn trả tiền để mua lấy sự tiện lợi để “tăng tốc” trong trải nghiệm Let It Die. Nhưng bạn cũng có thể kiếm được Death Metal bằng cách chơi game, không nhất thiết phải móc ví nếu không muốn.

Death Metal có rất nhiều công dụng, chẳng hạn tăng nhanh thời gian chế tạo và nâng cấp trang bị hay tăng “kích cỡ” của hành trang. Và như tôi đã nói ở trên, còn để hồi sinh nhân vật đã chết nữa. Let It Die giới hạn cấp độ nhân vật ở mức khá thấp, nên chơi lại từ đầu có khi là lựa chọn phần lớn người chơi sẽ làm trước tiên. Nhưng hệ thống “tiêu tiền” vẫn được nhà phát triển thiết kế để “móc ví” những người chơi không thích phí thời gian, đại loại vậy.

Một vấn đề khác là trang bị hao mòn rất nhanh, thậm chí một số vũ khí và giáp chỉ “trụ” được khoảng một đến hai tầng tháp là vứt luôn. Tính năng này có lẽ được thiết kế đặc biệt cho mô hình mua bán vật phẩm ảo của trò chơi.

Let It Die screenshot

Hình ảnh siêu bạo lực thường thấy trong các game của Suda51

Thực tế một chút, nếu Let It Die là game premium mua trọn gói một lần, có lẽ sẽ chẳng người chơi nào thèm bận tâm đến nó. Trong trường hợp đó, chắc chắn tôi cũng sẽ đánh giá game khắt khe hơn. Vì mặc dù cơ chế chiến đấu của Let It Die khá bạo lực, nhưng nó vẫn thiếu đi sự chính xác và mượt mà trong Dark Souls. Nhưng đây là tựa game free-to-play nên bạn có thể chơi thử thoái mái mà không sợ rủi ro tốn tiền nếu không thích.

Nói không phải khen, nhưng Let It Die cũng có một vài ý tưởng hay ho. Chẳng hạn, nhân vật của người chơi được “chuyển” thành kẻ thù trong phần chơi của người chơi khác. Nếu từng chơi dòng game Dark Souls hay Forza Motosport, thì bạn có thể hình dung nó giống như các phantom trong Dark Souls hay Drivatar trong Forza Motosport vậy. Hơn nữa, với thiết kế mỹ thuật hơi dị nhưng ấn tượng và kiểu kể chuyện quai quái của Suda51, Let It Die có thể sẽ được nhiều người chơi yêu thích. Tôi sẽ nhường bạn quyết định liệu có đáng để móc ví cho trò chơi hay không.

Nếu lạc quan một chút thì mô hình bán vật phẩm ảo tuy có tạo ấn tượng xấu ban đầu, nhưng cũng đồng nghĩa mọi người giờ đây đều có thể trải nghiệm game của Suda51 miễn phí. Việc pha trộn giữa thể loại roguelike và dòng game Dark Souls là một điểm cộng cho sự thú vị mà sự kết hợp này mang lại. Điều đáng tiếc là hệ thống chiến đấu xây dựng không “ngon” như Dark Souls. Chưa kể, mô hình bán vật phẩm ảo có thể khiến nhiều người chơi nản lòng.

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang