Những lưu ý khi mua điện thoại Android cũ

Những lưu ý khi mua điện thoại Android cũ cho các anh em tham khảo.

Thực ra việc mua một cái máy cũ không phức tạp như bạn nghĩ. Trong đa số các trường hợp, bạn chỉ cần (và chỉ có thể) kiểm tra những điểm sơ bộ là biết ngay có nên mua cái máy đó hay không. Bên dưới mình sẽ chia sẻ với anh em một chút về những kinh nghiệm khi đi mua điện thoại Android cũ, đồng thời nói về một số điểm cần lưu ý trước khi quyết định xuống tiền, ví dụ như đời chip như thế nào, phiên bản Android nên ra sao, app check tình trạng pin...

Ngoại hình

Đây là thứ dễ nhất bạn có thể đánh giá bằng mắt thường. Nhìn sơ một lược chiếc điện thoại bạn chuẩn bị mua, từ trước ra sau, dọc các cạnh, quát sát kĩ cụm camera... để phát hiện những dấu vết cho thấy máy đã từng bị va đập hay tác động lực. Nếu một vài vết nhẹ thì không sao, nhưng nếu có dấu cho thấy tác động mạnh đến mức nứt vỏ hay biến dạng viền thì bạn không nên mua vì ai mà biết được linh kiện bên trong máy có bị hư hỏng gì hay chưa.

Những lưu ý khi mua điện thoại Android cũ

Ngoài ra, nếu thiết bị của bạn mua có lưng kính, lưng kim loại và / hoặc viền kim loại, nhớ kiểm tra những thứ sau:

  • Viền kim loại có bị bong tróc sơn nhiều không, có bị móp không
  • Mặt kính có vết trầy lớn nào không? Cách dễ nhất để phát hiện tổn thương của kính là soi dưới nguồn sáng mạnh, mọi thứ đều lòi ra hết
  • Mặt kính có thể trầy xước sơ sơ, cái này thì mọi điện thoại dùng kính đều bị theo thời gian vì những hạt bụi, cát nhỏ trong túi quần hay trên mặt bàn nên nếu không quá nghiêm trọng thì không nên "ép giá" hay than phiền với người bán
  • Đừng quên thử khe SIM và khe thẻ nhớ, hai thứ này rất dễ bị kẹt nên cần kiểm tra kĩ trước khi mua

Thế hệ vi xử lý

Theo đúng bài thì chip càng mới máy chạy càng nhanh và tốt hơn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nếu bạn mua được một cái điện thoại Android second hand chạy Snapdragon 835 thì vẫn hơn rất rất nhiều lần so với một cái máy dùng Snapdragon 660 vì chúng thuộc hai phân khúc khác nhau, giá cũng khác nhau. Thông tin chung chung mà anh em mua máy cũ cần nắm như sau:

  • Các chip phổ biến trên thị trường hiện nay có Qualcomm và MediaTek.
  • Qualcomm có dòng Snapdragon 4xx được xài nhiều cho thiết bị giá rẻ, Snapdragon 6xx tầm trung và Snapdragon 8xx cho máy cao cấp. Một con chip Snapdragon 8xx 1 năm tuổi vẫn có thể mạnh hơn Snapdragon 6xx mới ra mắt. Để biết kĩ hơn về chip, bạn có thể Google tên chip là ra. Quan điểm của mình là không mua chip cũ hơn 2 năm tính từ thời điểm ra mắt, những chip quá cũ sẽ làm máy bạn chạy chậm, nhất là sau một thời gian sử dụng
  • Chip MediaTek phân thành dòng Helio P và Helip X, P dùng cho tầm trung và X cho một số máy cao cấp và cận cao cấp. Quan điểm của mình với chip MediaTek cũng không khác trên: không mua chip đã ra mắt hơn 2 năm về trước, vì dễ làm điện thoại chạy chậm + không đáp ứng các tính năng mới của Android.

Anh em trước khi quyết định bỏ tiền ra mua thì hãy làm một số nghiên cứu nhỏ như thế này trước để biết xem máy của mình sắp mua dùng chip gì, chip đó ra sao, thuộc phân khúc nào, ra đời từ khi nào nhé.

Màn hình

Sau khi lưu ý về ngoại hình và tra khảo thông tin về chip, nhớ kiểm tra màn hình của máy nhé: màn hình kiểm tra cũng khá dễ: tăng giảm độ sáng dần dần từ thấp đến cao để phát hiện những biến đổi bất thường, nhìn kĩ lớp kính xem có bị trầy không, có nứt góc hay không... Lưu ý rằng một số điện thoại làm mép cong 2,5D (tức kính cong ở phần viền) có thể bị nứt đường chỉ nhỏ từ viền hướng ra. Vụ này nhiều bạn thường bỏ qua do nhỏ quá không để ý.

Những lưu ý khi mua điện thoại Android cũ 2

Chia sẻ chút về độ phân giải, thành thật mà nói thì ở cái năm 2018 này, bạn nên mua chiếc smartphone nào có độ phân giải từ Full-HD (1920 x 1080) trở lên, chứ 720p (1280 x 720) thì rỗ lắm, đặc biệt là máy có màn hình lớn. Mình biết là nhiều smartphone giá rẻ vẫn còn dùng 720p, nhưng như vậy thì không đáng lắm. Nhiều khi chỉ cần thêm 1 triệu thôi là bạn có thể tìm được một cái máy màn hình ngon hơn rồi.


Camera

Camera thường không có vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu có thì sẽ thấy ngay. Các vấn đề thường thấy khi đi mua máy cũ là:

  • Mặt kính của camera bị trầy quá nhiều, khiến ảnh bị nhòe, đứt nét, hoặc ánh sáng chiếu vào bị tán sắc. Nếu mặt kính bị hư hại quá nhiều, không nên mua
  • Camera không thể lấy nét được thì có khả năng mô-tơ lấy nét đã hư, cũng không nên mua vì phí thay sẽ đắt
  • Kinh nghiệm nhỏ: hãy bật máy lên và cầm chụp vài tấm cả trong môi trường đủ sáng lẫn thiếu sáng trước khi quyết định có mua hay không.

Những lưu ý khi mua điện thoại Android cũ 3

Pin

Với đa số các điện thoại Android mới hiện nay pin đã gắn trong máy nên việc thay thế trở nên khó hơn và tốn kém hơn, tức là bạn cũng nên kiểm tra pin kĩ hơn trước khi mua. Tính ra pin là thứ khó kiểm tra nhất, và mình chỉ mới tìm được 1 phần mềm duy nhất cho bạn biết được mức độ chai pin của máy: https://play.google.com/store/apps/...ubattery&hl=en&rdid=com.digibites.accubattery. Bạn có thể cài app này lên điện thoại sắp mua để kiểm tra. Mình không có nhiều kinh nghiệm về việc kiểm tra pin khi mua điện thoại second hand, nhờ anh em tư vấn thêm và mình sẽ update vào bài nhé.

Phụ kiện

Phụ kiện thì giờ không phải là chuyện quá căng thẳng, trừ khi bạn mua máy 99% và muốn có cảm giác gần giống nhất với việc mua máy mới hoàn toàn. Tuy nhiên, một số phụ kiện rất cần được quan tâm:

  • Tai nghe: một số máy đi kèm tai nghe đặc biệt, ví dụ HTC U11 có tai nghe USonic hỗ trợ chống ồn. Gắn tai nghe bình thường vào sẽ không có tính năng này
  • Cục sạc: nhiều hãng giờ bán kèm sạc nhanh QuickCharge, nếu không có cục sạc này, bạn sẽ phải mua sạc nhanh từ bên ngoài, số tiền không nhỏ lắm đâu nhé. Còn nếu mua sạc thường thì sạc chậm hơn, không tận dụng được tính năng sạc nhanh cho máy.
  • Đầu chuyển USB-C sang jack tai nghe 3,5mm: với các điện thoại không có jack tai nghe, nhà sản xuất bán kèm đầu chuyển này, và thường mua lại không dễ nên bạn cần yêu cầu người bán đưa nó cho bạn, trừ khi có thỏa thuận khác.

Những lưu ý khi mua điện thoại Android cũ 4

Nguồn: tinhte.vn

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang