Chuyện nực cười: Intel vừa kiện Qualcomm chống độc quyền, vừa dọa Qualcomm để tìm cách giữ thế độc quyền cho bản thân mình

Những cuộc chiến độc quyền qua lại hiện nay giữa một phe là Qualcomm, một phe là Intel (và Google, Microsoft) đang ẩn giấu một sự thật xấu xí của ngành công nghiệp hi-tech toàn cầu: nhắc đến bản quyền bằng sáng chế, chẳng có ai chơi đẹp cả!

Trong vụ kiện nảy lửa giữa Apple và Qualcomm, Intel là một "nạn nhân phụ". Khi bị Apple (cùng Ủy ban Mậu dịch Liên bang Mỹ FTC) kiện vì dùng vị thế độc quyền nguồn cung chip modem nhằm nâng giá nhượng quyền bằng sáng chế, Qualcomm lập tức kiện ngược với yêu cầu cấm nhập khẩu, cấm bán những chiếc iPhone sử dụng modem Intel thay vì Qualcomm.

Dĩ nhiên là cựu vương của ngành vi xử lý không chấp nhận sự thật này. Trong tuyên bố chính thức, Intel khẳng định: "Nếu ITC có xem xét đến đơn kiện của Qualcomm, mong họ sẽ làm như vậy với nhận thức về các chiêu trò gây hại của Qualcomm cũng như những nguy cơ mà yêu cầu cấm bán của Qualcomm sẽ gây ra cho công chúng".

 

Ai mà tin được cơ chứ, chúng ta đã sống trong kỷ nguyên công nghệ đủ lâu để Intel cũng có thể là... nạn nhân của độc quyền!

Ai mà tin được cơ chứ, chúng ta đã sống trong kỷ nguyên công nghệ đủ lâu để Intel cũng có thể là... nạn nhân của độc quyền!

Sự thật là bạn khó có thể đứng về phía Qualcomm trong vụ kiện này. Không chỉ Apple mà rất nhiều tên tuổi của Android cũng đã chọn cách chống lại Qualcomm, bởi hãng này đang chiếm một phần quá lớn trong nguồn cung chip modem di động và dùng vị thế đó để "hét giá" rất nhiều bằng sáng chế quan trọng.

Thế nhưng, điều nực cười là bản thân Intel cũng đang tìm mọi cách để bảo vệ thế độc quyền của mình trên một thị trường khác: PC. Khi Microsoft cùng Qualcomm vui mừng tuyên bố đã tìm ra cách giả lập Windows x86 trên chip ARM, Intel đã nhanh chóng đăng tải một bài viết mang tên "x86: Gần 40 tuổi nhưng vẫn mạnh mẽ" với những lời cảnh cáo bóng gió dạng như "Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để bảo vệ các đột phá và các khoản đầu tư của mình".

Bài viết này không kể đích danh Qualcomm, nhưng lại nhắc lại câu chuyện về "số phận" của Transmeta, một hãng từng cố giả lập x86 trên vi xử lý: "Intel đã dùng bằng sáng chế liên quan tới các cải tiến trên bộ instruction set SIMD để chống lại mô hình x86 của Transmeta, ngay cả khi công ty đó sử dụng giả lập. Cuối cùng, Transmeta đã không thành công và phải từ bỏ thị trường chip hơn 10 năm về trước".

 

Và Intel cũng lại là tác giả của những chiêu trò độc quyền với kiến trúc x86.

Và Intel cũng lại là "tác giả" của những chiêu trò độc quyền với kiến trúc x86.

Những câu cú sặc mùi đe dọa, và với câu chuyện này, bạn chẳng thể đứng về phía Intel. Một con chip ARM có thể giả lập x86 sẽ giúp tạo ra những chiếc PC mỏng hơn, rẻ tiền hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn hoặc thậm chí là mang Windows đầy đủ lên các thiết bị di động. Chống lại sự kết hợp tất yếu của ARM và Windows rõ ràng là chống lại đại đa số người tiêu dùng.

Cuộc chiến nực cười lần này của Intel và Qualcomm chỉ là một phần nhỏ trong đại chiến độc quyền, một vấn đề nhức nhối đã khiến ngành hi-tech đau đầu trong suốt hàng chục năm vừa qua. Thực tế, đứng trong liên minh hỗ trợ Apple chống lại Qualcomm lần này không chỉ có Intel mà còn có cả Microsoft và Google, hai tên tuổi "khét lẹt" về các vấn đề độc quyền. Microsoft đã từng dùng vị thế thống trị của Windows để bao vây trình duyệt Netscape và sau đó mở ra kỷ nguyên WWW ì ạch, còn Google thì dùng Android để ép các đối tác phải cài đặt các dịch vụ đi kèm.

 


Sự hội tụ càng ngày càng rõ rệt của các loại thiết bị và các kiến trúc chip đang phơi bày những chiêu trò độc quyền xấu xí.

Sự hội tụ càng ngày càng rõ rệt của các loại thiết bị và các kiến trúc chip đang phơi bày những chiêu trò độc quyền xấu xí.

Thế mới biết, chẳng có ông lớn công nghệ nào là tốt đẹp cả. Bằng lý lẽ này hay lý lẽ khác, họ sẽ vừa đóng vai nạn nhân với luận điệu "đứng về phía người tiêu dùng" nhưng cùng lúc cũng sẽ đứng ở phía kẻ ác với lời biện hộ "bảo vệ trí tuệ".

Theo genk

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang