Nhật Bản ứng dụng công nghệ RFID thế nào để “thanh toán thông minh?”

Có kích cỡ chỉ bằng chiếc thẻ ATM, thẻ Suica có thể sử dụng để thanh toán vé tàu điện, xe bus, mua hàng trong siêu thị, đây là loại thẻ thông minh không tiếp xúc sử dụng công nghệ RFID, tương tự công nghệ mà Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư sử dụng khi lắp đặt các trạm thu phí không dừng ETC.

Trong tiếng Nhật, phát âm của Suica (Suika) có nghĩa là “dưa hấu”, một loại quả mà nhiều người Nhật yêu thích, nhưng trên thực tế, Suica được viết tắt từ “Super Urban Intelligent Card" – thẻ thông minh cho đô thị.

Nhật Bản ứng dụng công nghệ RFID thế nào để “thanh toán thông minh?”

Tấm thẻ Suica "thần kỳ" của Nhật Bản. Ảnh: Glodeco

 

Thẻ này có thể quẹt thanh toán... mọi thứ tại Nhật, từ vé tàu điện, xe buýt, thanh toán tại siêu thị cho đến các loại hoá đơn tại những cửa hàng nhỏ. Bạn không cần cung cấp thông tin cá nhân khi mua Suica, nhưng phải nạp tiền vào nó trực tiếp tại các cửa hàng tiện lợi hoặc ga tàu, chỉ đơn giản là nhét thẻ vào máy, đút số tiền bạn muốn nạp vào tương ứng và bấm nút. Nói cách khác, Suica chính là tiền ở dạng thẻ nhựa, mất thẻ cũng như bạn rơi mất tiền vậy.

Suica được sử dụng rộng rãi trong hệ thống đường sắt quốc gia của Nhật. Khối đường sắt tư nhân, xe buýt và tàu điện ngầm tại Nhật sử dụng thêm loại thẻ Pasmo và rất nhanh, các công ty phát hành hai loại thẻ Pasmo và Suica nhanh chóng hợp tác, để người sử dụng các loại thẻ có thể thanh toán chéo trên hệ thống của nhau.

Nhật Bản ứng dụng công nghệ RFID thế nào để “thanh toán thông minh?” 2

Người sử dụng giao thông tại Nhật có thể đi thông tuyến trả phí bằng thẻ Suica. Ảnh: Thành Lương

 

Công nghệ RFID được sử dụng trên thẻ chỉ có nghĩa là các thẻ giao tiếp được với nhau, còn việc sử dụng chéo được hay không, còn phải do thoả thuận liên quan đến các đơn vị phát hành. Điều này giải thích tại sao, các trạm ETC tại Việt Nam sẽ đều sử dụng công nghệ RFID (giao tiếp bằng sóng radio) do Bộ Giao thông Vận tải quy định, nhưng để người dùng thẻ E-tag có thể đi xuyên xuốt qua các trạm thu phí của các nhà đầu tư BOT, cần phải có thoả thuận giữa các bên.

Cho đến năm 2014, nhờ vào sự thoả thuận, các đơn vị phát hành thẻ thanh toán như Suica, Kitaca, Pasmo, Toica, Pitapa, Sugoca, Haykaken… đã được liên thông với nhau. Thậm chí, Suica còn có thể dùng để thanh toán cho những game di động có NFC như Wii U của Nintendo.

Từ trước đến nay, người Nhật luôn đi đầu trong việc ứng dụng các tiện ích thanh toán mới, thậm chí hình thành nên một văn hoá riêng của họ về điều này, được gọi là văn hoá Keitai (điện thoại di động) và hiện tại bắt đầu tiến lên văn hoá Simon (dấu vân tay).

Điện thoại di động thực sự  là một phong cách sống của Nhật Bản và sự luôn đáp ứng đổi mới nhanh chóng của các nhà khai thác thị trường này, đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có nền “kinh tế di động” có giá trị nhất thế giới.

Mạng di động đầu tiên của Nhật xuất hiện từ năm 1979, nó là tiền đề để Nhật phát triển mạng 3G, sau đó là 4G, công dân Nhật Bản hầu như ai cũng biết sử dụng các thiết bị cầm tay để kết nối Internet.

Nhật Bản ứng dụng công nghệ RFID thế nào để “thanh toán thông minh?” 3

Một góc trung tâm mua sắm của Nhật tại Tokyo. Ảnh: st

Theo một nghiên cứu của công ty Accenture, ngay từ năm 2011, 33% người Nhật đã sử dụng điện thoại để thanh toán phí hàng tháng, so với 26% số tương ứng tại Mỹ, châu Âu. Trước đó, người Nhật còn đang phải chầy trật học hỏi công nghệ của các nước, khi Mỹ mới là quốc gia đầu tiên sản xuất ra điện thoại di động vào năm 1973.

Ngay từ rất sớm, người Nhật đã tin tưởng rằng, chiếc điện thoại đóng vai trò như một ngân hàng, có thể kiểm tra biến động số dư tài khoản, thanh toán hoá đơn, nhận các phiếu giảm giá, thẻ quà tặng... đây là một tư duy vô cùng mới mẻ so với các quốc gia khác.

Các Osaifu Keitai (ví di động) của Nhật xuất hiện từ năm... 2004 và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn thanh toán của Nhật Bản với công nghệ Felica của Sony, dựa trên nhận dạng tần số vô tuyến RFID. Thật ngạc nhiên khi cách đây 10 năm, người Nhật đã thoải mái giao dịch bằng các loại tiền điện tử.

Ngày nay, ai dùng di động thông minh cũng đều có thể đã dùng qua mã QR (Quick Response – đáp ứng nhanh), nhưng không phải ai cũng biết, đây là phát minh của người Nhật, được phát triển từ năm 1994 bởi Denso Wave, sau đó, các doanh nghiệp của Nhật đã nhanh chóng kết hợp giữa phần mềm của smartphone và camera, tạo ra ứng dụng đọc mã QR nhanh để có thể quét thông tin về sản phẩm và dịch vụ một cách nhanh chóng. QR trở thành tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2000 và lần đầu đầu tiên được sử dụng trong các ứng dụng di động vào năm 2002.

Smartphone, Osaifu-Keitai, QR... dần thành lập tiêu chuẩn trong thương mại điện tử của Nhật Bản và thậm chí thành tiêu chuẩn quốc tế, nhờ những tiện ích của nó.

Tới tháng 2/2011, Nhật Bản cũng nhanh chóng kết hợp cùng Hàn Quốc để sử dụng công nghệ NFC cho việc thanh toán di động xuyên biên giới, cho phép khách du lịch giữa hai nước thanh toán di động qua các điện thoại Android sử dụng chip NFC, với các đối tác bao gồm: Visa, Samsung Electronics, Gemalto, Sumitomo Mitsui Card và bitWallet.

Nhật cũng là một trong các quốc gia đi đầu trong công nghệ Long-Term Evolution (LTE), nhắc đến Nhật Bản là người ta lại nghĩ đến công nghệ di động tuyệt vời của nước này, còn Việt Nam vẫn phải chờ đến năm 2017 mới được cấp phép 4G.

Bắt đầu từ mùa hè 2016, Chính phủ Nhật sẽ thử nghiệm hệ thống thanh toán dịch vụ bằng... vân tay để chuẩn bị cho lượng khách du lịch dự kiến tăng vọt tại Olympic Tokyo năm 2020 và Paralympic Games.

Nhật Bản tính toán rằng, biện pháp này sẽ giảm bớt sự bất tiện trong thanh toán tiền mặt bằng và thẻ tín dụng, ngoài ra họ còn có thể kiểm soát tội phạm tốt hơn.

làm được điều này, khách du lịch cần đăng ký dấu vân tay tại các địa điểm chỉ định và họ cần liên kết dấu vân tay với thông tin thẻ tín dụng, việc còn lại chỉ đơn giản là mua sắm bằng vân tay của mình.

Nhật hi vọng sẽ mở rộng mạng lưới thanh toán này vào năm 2020, chính phủ Nhật cam kết sẽ bảo mật dữ liệu cho khách hàng.

 

(Theo_Ictnews)

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang