Căn phòng đẫm máu: Hù doạ nghẹt thở, không dành cho những người yếu tim

Sở hữu nhiều trường đoạn nhát ma gây ám ảnh, bộ phim Căn phòng đẫm máu không phải là lựa chọn phù hợp đối với những ai có tiền sử tim mạch hay huyết áp cao.

Mở màn tháng 6 này, nền điện ảnh xứ sở kim chi chính thức trình làng Căn phòng đẫm máu (tựa gốc: Lingering) – tác phẩm kinh dị xoay quanh những bí ẩn ly kì về địa danh hư cấu mang tên khách sạn Bờ Hồ (Hotel Lake). Dẫu khai thác đề tài vốn dĩ đã quá quen thuộc, nhưng khách sạn Bờ Hồ trong Căn phòng đẫm máu sớm đem lại cảm giác ngột ngạt, u ám đến khó tả.

Căn phòng đẫm máu: Hù doạ nghẹt thở, không dành cho những người yếu tim

Với kiến trúc đối xứng hình bát giác, khách sạn Bờ Hồ có quy tắc kì lạ: đừng ngước nhìn lên trên, đừng lang thang một mình, và tuyệt đối, chớ dại mà bước vào căn phòng số 405.

Chắc hẳn, trước những chi tiết vừa rồi, đông đảo tín đồ phim kinh dị sẽ tự hỏi: liệu Căn phòng đẫm máu có “vay mượn” ý tưởng từ The Shining (1980) - tượng đài điện ảnh do huyền thoại Stanley Kubrick cầm trịch hay không?

Nhìn chung, đứa con tinh thần của Yoon Eun Kyung chịu ảnh hưởng khá lớn từ The Shining. Ngoài cốt truyện xoay quanh toà khách sạn khiến người khác phát điên, thì xuyên suốt 90 phút thời lượng, bạn sẽ thấy ekip đã tri ân Stanley Kubrick bằng việc tái hiện lại một vài phân cảnh kinh điển tại kiệt tác ấy. Đặc biệt, thủ pháp nhân vật kể chuyện không đáng tin (unreliable narrator) cũng được nữ đạo diễn Hàn Quốc học tập rồi khéo léo vận dụng vào Căn phòng đẫm máu.

Căn phòng đẫm máu: Hù doạ nghẹt thở, không dành cho những người yếu tim 2

Cụ thể, Yoo Mi từng bị trầm cảm nặng sau khi mẹ mất và phải dùng thuốc điều trị mỗi ngày. Vì vậy, những gì mà nàng ta chứng kiến tại đây đều chẳng được dì Kyeong Seon lẫn cảnh sát tin tưởng. Thậm chí, cô còn trở thành nghi can hàng đầu trong vụ mất tích của đứa em gái. Chỉ có thể nhìn thấy linh hồn lúc đang ở một mình, bản thân Yoo Mi lẫn khán giả đều cảm thấy hoang mang, không rõ các sự việc khiếp đảm mà mình vừa trải nghiệm là sự thật, hay thực chất hoàn toàn là ảo giác do tinh thần bất ổn nơi nữ chính tạo nên.

Căn phòng đẫm máu: Hù doạ nghẹt thở, không dành cho những người yếu tim 3

Mặc dù thấp thoáng dáng dấp của người tiền nhiệm, thế nhưng, Căn phòng đẫm máu vẫn gây ấn tượng mạn nhờ hữu cho riêng mình loạt điểm nhấn đặc sắc; đơn cử như những trường đoạn hù doạ được dàn dựng chắc tay, mang đậm màu sắc tâm linh Châu Á. Đảm bảo, hình ảnh đôi chân đi giày đỏ gần trạm xe buýt bỏ hoang, bóng ma tóc xoã thoắt ẩn thoắt hiện dưới tầng hầm tắm tối, hay đống tử thi nằm co quắp với ánh mắt lạnh lẽo, vô hồn... sẽ khiến cả rạp nổi hết da gà.

Căn phòng đẫm máu: Hù doạ nghẹt thở, không dành cho những người yếu tim 4

Chưa kể, bên cạnh yếu tố jumpscare “nặng đô”, chuyển biến tâm lý khác thường ở dàn nhân vật (cả phụ lẫn chính) càng góp phần làm tăng thêm mức độ rùng rợn, ly kì cho tổng thể tác phẩm. Nhiều lúc, dẫu chẳng cần mấy hiện tượng quỷ dị, nét biểu cảm quái đản của chị hầu phòng và cô nhóc Ji Yoo cũng đủ để ám ảnh biết bao người.

Với các điểm sáng này, Căn phòng đẫm máu xứng đáng là lựa chọn hàng đầu dành cho cộng đồng yêu thích dòng phim kinh dị. Liệu hai chị em Yoo Mi đáng thương có thể toàn mạng trốn chạy khỏi khách sạn Bờ Hồ? Câu trả lời đang chờ đợi bạn khám phá.

Phim khởi chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 05/06/2020.

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang