Trận Trường Bình - Đại thảm sát 400.000 bại binh của quân Triệu trong thời kì Chiến Quốc Thất hùng

Trận Trường Bình là cuộc thảm sát lớn mà đại tướng quân Bạch Khởi của nước Tần đã giết hơn 45 vạn quân Triệu và làm cho nước Triệu gần như trên đà suy vong

Trận Trường Bình.

"Phép dụng binh, gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi chì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút, tránh giao tranh với địch" - Binh pháp Tôn Tử.

Thảm án chôn sống 400.000 bại binh: Mối họa lớn "báo hại" nhà Tần

Năm 263 TCN, Vua Triệu cử danh tướng Liêm Pha (廉頗) đem quân cứu Hàn và từ đó khởi đầu trận chiến Trường Bình giữa quân Tần và quân Triệu. Liêm Pha hợp quân với Phùng Đình, chia nhau giữ ải Trường Bình. Liêm Pha biết quân Tần đang ở thế mạnh, không thể đối chọi trực diện nên cố giữ thành, không đánh, chờ đến khi quân Tần mệt thì mới giao chiến. Suốt 2 năm vây hãm, quân Tần không chiếm được ải Trường Bình. Thấy vậy, Tần tướng quốc Phạm Thư đã dùng kế ly gián bằng cách hối lộ quan lại nước Triệu và phao tin:

“Liêm Pha đã già nên nhát, không dám đụng độ với quân Tần“.

“Trong số tướng giỏi của nước Triệu, quân Tần chỉ ngán có Triệu Quát là người tinh thông binh pháp“.

Triệu Quát là tướng trẻ, con trai của Triệu Xa( đã mất) nước Triệu, có tiếng là am hiểu binh pháp Tôn Tử nhưng chưa kinh qua nhiều trận mạc nên chính Triệu Xa là cha vẫn chưa tin con mình có thực tài cầm quân. Mẹ của Triệu Quát cũng dâng thư lên can ngăn vua Triệu, tuy vậy vua Triệu vẫn phong Triệu Quát làm chủ tướng.

Năm 260 TCN, Triệu Quát ra mặt trận thay thế Liêm Pha. Triệu Quát thay hết quân lệnh của Liêm Pha đồng thời thay hết nhân sự do Liêm Pha đã bố trí .

Vua Tần được tin Triệu Quát đã thay Liêm Pha thì rất mừng, bí mật sai tướng Bạch Khởi làm chủ tướng thay Vương Hột, đồng thời ra lệnh cho quân Tần tuyệt đối giữ bí mật về việc Bạch Khởi (白起) đã thay Vương Hột.

Theo lẽ thường, đúng với Binh pháp Tôn Tử thì :

”Người thiện chiến xếp đặt người ta chứ không để người ta xếp đặt mình“

Quân Triệu có lợi thế hơn quân Tần vì quân của Triệu Quát đến Trường Bình trước quân của Bạch Khởi nhưng Triệu Quát đã để Bạch Khởi chuẩn bị sẵn lưới đón lọng quân Triệu .

Để lừa Triệu Quát, Bạch Khởi giả vờ thua mấy trận làm cho Triệu Quát vốn đã chưa có kinh nghiệm trận mạc, lại chủ quan khinh địch nên càng đắc chí, cho rằng quân Tần không có gì đáng sợ nên mang cả đại quân ra truy kích quân Tần .

Bạch Khởi lại sai một cánh quân khác chặn đường tiếp vận lương thực của quân Triệu. Triệu Quát bị Bạch Khởi đưa vào thế tiến thoái đều lưỡng nan, không thể tiến quân cũng không thể trở về đại trại, đành phải tạm đóng quân trong rừng để chờ viện binh. Quân Tần không có ưu thế về quân số vậy mà Bạch Khởi lại dùng quân của mình chia cắt và vây hãm quân của Triệu Quát. Bạch Khởi bao vây quân của Triệu Quát rất ngặt nghèo để diệt gọn quân của Triệu Quát , trong khi Binh pháp Tôn Tử thì viết : ”Vây quân địch thì nên để hở" .Tần Chiêu Tương vương được tin quân Triệu đã bị bao vây, điều quân Tần đến tăng cường cho những nơi hiểm yếu phía đông bắc ải Trường Bình và chặn viện binh của quân Triệu từ Hàm Đan tới. Đến lúc này Triệu Quát mới biết chủ tướng quân Tần là Bạch Khởi. Suốt 46 ngày bị bao vây, quân Triệu vừa mệt mỏi vừa bị đói. Triệu Quát ở thế cùng, phải đích thân dẫn quân mở đường máu để phá vây nhưng bị quân Tần dùng cung nỏ bắn chết. Triệu Quát tử trận, quân Triệu vô cùng hoang mang. Tất cả đều buông vũ khí đầu hàng. Tướng Phùng Đình thì tự sát .

Thảm sát Triệu quân, vết nhơ muôn đời

Bạch Khởi dù thắng trận nhưng vẫn sợ quân Triệu làm phản bèn bàn với phó tướng Vương Hột một độc kế. Bạch Khởi ra lệnh cho quân Triệu hợp cùng 20 vạn quân Tần, chia thành 10 doanh, mỗi doanh cử một viên tướng thống suất, ban cho rượu thịt để khao thưởng. Bạch Khởi truyền lệnh, sẽ tiến hành tuyển chọn quân Triệu, kẻ khỏe mạnh sẽ giữ lại trong quân, người già yếu thì cho về nước Triệu. Quân Triệu mừng như vớ được cọc.

Nhưng đêm ấy, Bạch Khởi lại ngầm ra lệnh cho 10 viên tướng thống suất các doanh rằng: “Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi”. Quân Tần theo lệnh, lập tức hành động, chỉ trong phút chốc hơn 40 vạn quân Triệu tay không tấc sắt bị thảm sát hàng loạt. Bạch Khởi lệnh cho quân thu nhặt đầu lâu quân Triệu chất thành đống trong dinh lũy của Tần, gọi là núi Đầu Lâu. Nếu tính cả trong trận Trường Bình, trước sau Bạch Khởi đã giết hoặc bắt sống tổng cộng 45 vạn quân Triệu, chỉ tha cho 240 người về Hàm Đan để thể hiện cái oai của nước Tần.

Trận đánh nào làm 700000 người chết trong lịch sử Trung Quốc

Các nhà sử học đánh giá đây là sự kiện thảm sát lớn nhất trong lịch sử cổ đại Trung Hoa. Việc 40 vạn hàng quân bị giết trong khi tay không tấc sắt dù đã tỏ ý quy thuận cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến, quỷ kế của kẻ làm tướng và cách hành xử không chút nhân đạo của bên thắng cuộc. Người đời sau coi sự kiện Trường Bình là vết nhơ lớn trong đời Bạch Khởi. Bởi người Trung Hoa tin rằng, việc giết hại quân địch đã đầu hàng là một hành động không quân tử. Nếu không có vết nhơ giết hàng quân thì Trường Bình xứng đáng trở thành trận đánh hay nhất thời Chiến Quốc với lối dùng binh cực kỳ linh hoạt, đầy bất ngờ và không lệ thuộc vào sách vở, binh thư của Bạch Khởi.

Báo ứng thảm khốc của một danh tướng

Sau khi giết sạch quân Triệu ở Trường Bình, Bạch Khởi thừa thắng tiến lên, chia làm 3 mũi giáp công, chĩa thẳng đến kinh đô Hàm Đan của nước Triệu. Nước Triệu nguyên khí suy sụp, nghe tin quân Tần đang đánh đến thành đô, người người đều sợ hãi, cả nước chấn động. Đúng lúc ấy, Bạch Khởi nhận được trát thu quân của Tần vương, dù vô cùng tiếc nuối cũng không dám làm trái lệnh, bèn rút về không kèn không trống.

Hóa ra, nguyên nước Triệu bị dồn vào chân tường, bèn nghĩ cách sai thuyết khách mang vàng bạc vào Tần yết kiến Thừa tướng Phạm Thư. Thuyết khách lần này là Tô Đại (vốn là em của Tô Tần), gặp Phạm Thư bày tỏ lẽ thiệt hơn, nhấn mạnh rằng nếu để Bạch Khởi diệt Triệu, công lao ngút trời thì vị trí của Phạm Thư cũng sẽ lung lay. Thừa tướng nước Tần vốn không ưa Bạch Khởi, nay lại có người xúi giục, bèn gièm pha với Tần Chiêu Tương vương, cho gọi Bạch Khởi về, lui quân giảng hòa với Triệu với điều kiện Triệu phải dâng 6 thành. Triệu vương chỉ đợi có vậy, lập tức đồng ý.

Bạch Khởi về đất Tần, nghe được chuyện này, trong lòng căm tức vô cùng, nói với tả hữu rằng: “Từ trận thua ở Trường Bình, trong thành Hàm Đan, một đêm mười lần sợ. Nếu thừa thắng tiến đánh, thì không đầy một tháng có thể lấy được. Tiếc thay Ứng hầu không biết thời thế, chủ trương việc rút quân về, làm mất cơ hội ấy!”. Ứng hầu chính là Phạm Thư.

Tần vương nghe thấy, hối hận vô cùng, nhiều lần sai Bạch Khởi dẫn quân phạt Triệu. Nhưng Bạch Khởi cho rằng thế lớn đã mất, Triệu quốc đã lấy lại được nguyên khí, lại có lão tướng Liêm Pha tài giỏi hộ quốc, khó lòng đánh được. Ông nhiều lần cáo ốm để không ra trận. Phạm Thư lại gièm với Tần vương rằng Bạch Khởi chống lệnh không đi. Tần vương tức giận, giáng chiếu cách hết chức ông, đày làm lính, phải đi đến vùng biên ải.

Bạch Khởi nuốt hận mà đi, ngửa mặt lên trời mà than: “Phạm Lãi có nói: “Thỏ khôn đã chết, chó săn tất bị phanh thây”. Ta vì Tần đánh hạ được hơn bảy mươi thành của chư hầu, cái thế tất phải bị mổ!”. Phạm Thư nghe được, lại nói với Tần vương: “Bạch Khởi ra đi, trong lòng tấm tức không phục, thốt ra nhiều lời oán giận, nói có bệnh, không phải là thật, sợ rằng sẽ đi sang nước khác để làm hại Tần!”. Tần vương sai người mang đến cho Bạch Khởi một thanh gươm bén, ý muốn bắt phải tự tử. Bạch Khởi nhận gươm, đâm cổ tự tử.

Trước khi chết, ông ngửa mặt lên trời mà sa nước mắt: “Ta cũng đáng chết thôi. Ở Trường Bình 40 vạn quân Triệu đều đầu hàng, ta lại lừa dối chúng rồi giết hết cả đi. Chúng nó có tội gì mà lại phải bị giết như thế? Bây giờ chính là quả báo của ta chăng?”.

Chính Bạch Khởi cũng đã nhìn ra quả báo nhãn tiền của mình. Nhưng tội nghiệp ông gây ra chưa dừng lại ở đó. Suốt gần 40 năm xông pha chiến trận, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, Bạch Khởi đã chém đầu gần 100 vạn người (chưa kể thường dân liên lụy). Một con số khủng khiếp! Tuy lập đại công cho Tần quốc, chiếm 73 thành trì, mở rộng hàng ngàn dặm đất đai cho Tần vương, đặt nền tảng để Tần thống nhất Lục quốc sau này nhưng Bạch Khởi giết quá nhiều người, quả báo còn theo đến cả ngàn năm sau.

Cuối thời nhà Đường, tại vùng Sơn Tây (Trung Quốc) có một sự kiện kỳ quái xảy ra. Trong một cơn cuồng phong lớn chưa từng có, sấm sét đánh chết một con trâu lớn. Khi đến xem xét, người ta nhìn thấy hai chữ “Bạch Khởi”. Sau hơn một ngàn năm, cái tên từng mang đến bao ác mộng lại một lần nữa gây ám ảnh cho người ta. Dân gian truyền nhau rằng, vì sinh thời Bạch Khởi giết quá nhiều người nên hơn một ngàn năm sau khi chết ông vẫn còn phải chịu quả báo, phải làm kiếp súc sinh bị sét đánh chết.

Lại theo “Di Kiên Chí” viết: Ở Giang Nam có một người con gái họ Trần 17 tuổi, trước nay chưa từng đọc qua sách sử, thân mắc trọng bệnh. Trước khi lâm chung, cô bỗng nói với người trong nhà rằng: “Ta là tướng quân Bạch Khởi của nước Tần, năm xưa khi còn sống đã từng giết bảy, tám chục vạn người. Sau khi chết, ở địa ngục chịu đủ mọi tra tấn hành hạ, gần đây mới được phép đầu thai chuyển sinh làm người. Nhưng mỗi lần đầu thai đều chỉ có thể làm thân nữ, thọ không quá hai mươi tuổi, cái chết ngày hôm nay, là ta đáng nên bị như vậy”. Nói xong rồi tắt thở qua đời.

Nhân quả báo ứng luôn công bằng, không trừ một ai. Hành ác thì phải chịu ác báo, đó là quy luật muôn đời của Trời xanh, của Tạo hóa. Bạch Khởi tuy được ca ngợi là danh tướng hàng đầu thiên hạ, công lao bao trùm sử xanh nhưng vì quá hiếu sát nên phải chịu cả quả báo nhãn tiền và quả báo luân hồi cả nghìn năm. Ôi, sinh mệnh con người là thứ đáng trân quý nhất trên đời này, sát sinh tạo nghiệp vì thế chính là tội ác lớn nhất. Chỉ có hành thiện tích đức, lương thiện hướng Phật, con người ta mới có thể ra ngoài vòng nghiệp quả mà thôi.

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang