Danh sách 6 họa sĩ truyện tranh qua đời trước khi hoàn thành tác phẩm của đời mình

Không chỉ mỗi Kentarou Miura, ngành công nghiệp manga Nhật Bản cũng tồn tại không ít mangaka qua đời khi tác phẩm của họ còn dang dở. Sau đây, hãy cùng đến với 6 cái tên khiến độc giả thế giới tiếc thương nhất nhé.

Kentarou Miura

(1966 - 2021)

kentarou miura qua đời

Ngày 20 tháng 5 năm 2021, cộng đồng yêu manga toàn thế giới vô cùng bàng hoàng khi biết tin tác giả Kentarou Miura, huyền thoại mangaka đã tạo nên siêu phẩm Berserk đã qua đời ngày 6 tháng 5 cùng năm. Nguyên nhân cái chết là do lóc tách động mạch chủ cấp tính.

Sự ra đi đột ngột của Kentarou Miura cũng là dấu chấm lửng đầy nuối tiếc cho hai tác phẩm Duranki và (nhất là) Berserk. Vậy là độc giả thế giới sẽ không bao giờ có cơ hội được nhìn thấy hồi kết của Guts và Griffith cũng như được xem nét vẽ thiên tài của Kentarou-sensei thêm một lần nào nữa...

Xem thêm: Tin buồn: Tác giả Kentarou Miura đột ngột qua đời, siêu phẩm Berserk mãi mãi dang dở

Yoshito Usui

(1958-2009)

tác giả cậu bé bút chì qua đời

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao Cậu Bé Bút Chì Shin lại không hề có kết thúc chưa? Lí do cho điều này là vì tác giả của bộ truyện, ông Yoshito Usui đã đột ngột qua đời vào năm 2009.

Cụ thể, Yoshito-sensei được báo cáo mất tích vào ngày 12 tháng 9 năm 2009. Sau một tuần, xác chết của ông được tìm thấy, nguyên nhân được cho là tai nạn. Sau khi vị tác giả qua đời, nhóm của ông bắt đầu một bộ truyện Crayon Shin-chan mới vào năm 2010 như một sự tri ân dành cho Yoshito Usui.

Fujiko F. Fujio

(1933-1996)

Fujiko F. Fujio chết

Nếu là một fan cuồng nhiệt của tác giả Fujiko F. Fujio lẫn Doraemon, hẳn bạn sẽ biết câu chuyện sau đây. Vào năm 1996, tác giả Fujiko (tên thật là Fujimoto Hiroshi) đã lên kịch bản hoàn thiện cho tập truyện dài Doraemon: Nobita Và Cuộc Phiêu Lưu Ở Thành Phố Dây Cót. Tuy vậy, ông đã không đủ sức khỏe để hoàn thiện tác phẩm và đã qua đời vào ngày 23 tháng 9 năm 1996.

Học trò của ông là Mugiwara Shintaro và Fujiko F. Fujio Pro lúc bấy giờ mới quyết định sẽ thay ông hoàn thiện tác phẩm. Họ sau đó cũng sáng tác nên các tác phẩm khác, kéo dài Doraemon truyện dài lên 24 tập. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy phần tác giả của 17 tập truyện đầu tiên là tên của cố tác giả Fujiko F. Fujio, từ tập 18 trở đi để tên Fujiko F. Fujio Pro.

Kaoru Tada

(1960-1999)

Kaoru Tada chết

Bắt đầu sự nghiệp khi còn là một học sinh trung học, Kaoru Tada từng là một nữ tác giả shoujo manga rất nổi tiếng. Cô có rất nhiều tác phẩm vượt thời gian như Tiinzu Burabo, Kimi No Na Wa Debora hay Itazura Na Kiss.

Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, Kaoru Tada đã qua đời một cách rất bất ngờ. Trong lúc chuyển đến nhà mới, cô vô tình đập đầu vào bàn đá. Kaoru-sensei hôn mê suốt 3 tuần sau đó qua đời ở tuổi 38. Manga Itazura Na Kiss bị bỏ dỡ. Đến năm 2008, tác phẩm tạm có kết thúc sau khi được chuyển thể thành anime.

Satoshi Kon

(1963-2010)

kon satoshi qua đời

Tuy không hẳn là một mangaka nhưng Satoshi Kon là thiên tài mà ngành công nghiệp anime - manga sẽ còn phải nhắc đến trong hàng chục năm nữa. Là một nghệ sĩ/ đạo diễn tài năng xuất chúng, Satoshi Kon đã tạo nên Paprika, Perfect Blue, Paranoia Agent - những tuyệt tác hoạt hình mà đến ngày nay giới chuyên môn vẫn không ngừng tán dương.

Năm 2010, Satoshi Kon đang lên kịch bản cho tác phẩm tiếp theo của ông là Dreaming Machine. Đây được xem là một tựa phim vô cùng hứa hẹn nhưng...nó đã không được thực hiện bởi Satoshi Kon đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy quái ác. Sau khi vị đạo diễn qua đời, MADHOUSE vẫn giữ dự án Dreaming Machine lại và sẵn sàng tiếp tục nó nếu có một đạo diễn hoạt hình ngang tầm Satoshi Kon xuất hiện.

Osamu Tezuka

(1928-1989)

Osamu Tezuka chết

Kết thúc cho danh sách mất mát này sẽ là "cha đẻ truyện tranh Nhật Bản" - Osamu Tezuka và tác phẩm cuối cùng của ông - Phoenix. Năm 1989, Phoenix đã đi vào những diễn biến cuối cùng. Đây cũng là lúc căn bệnh ung thư dạ dày của Osamu-sensei chuyển biến xấu. Trong thời gian nhập viện, Osamu Tezuka vẫn miệt mài làm việc, đến mức khi bị y tá lấy đi dụng cụ vẽ, ông đã thốt lên rằng:

Tôi cầu xin bạn, hãy để tôi làm việc.

Vẽ truyện tranh đến tận lúc chết, Osamu Tezuka vẫn không thể tự tay kết thúc tác phẩm Phoenix. Sau khi ông qua đời, thành phố Takarazuka, quê hương Osamu-sensei, đã xây dựng một viện bảo tàng mang tên "Nhà tưởng niệm Osamu Tezuka". Tên của ông cũng được dùng để đặt cho giải thưởng manga cao quý Tezuka Osamu Cultural Prize.

Xem thêm: Mangaka nổi tiếng từng phụ tá cho ai: To Love Ru và One Punch Man vẽ truyện Death Note!

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang