Bị phá, Maroon 5 và PewDiePie chặn người Việt dịch kênh YouTube

Nhiều kênh YouTube như Maroon 5, PewDiePie, TheFatRat... đã chặn tính năng đóng góp bản dịch do ý thức của một số người dùng đến từ Việt Nam.

Ngày 25/1, Alone - MV (Video ca nhạc) sở hữu 810 triệu lượt xem của DJ Alan Walker đã bị đổi tên thành "Alan Walker - Một mình (Alone) - Các bạn qua kênh "*** Nhạc 8D" nghe nhạc nhé".

Suốt những tuần sau đó, rất nhiều kênh YouTube nổi tiếng trên thế giới cũng bị một số người dùng thiếu ý thức đóng góp những bản dịch có nội dung sai lệch. Mục đích của việc đổi tên này là quảng cáo, trêu đùa hay chỉ để thể hiện bản thân.

Bi pha, Maroon 5 va PewDiePie chan nguoi Viet dich kenh YouTube hinh anh 1
Link Facebook, dịch vụ thẻ game tràn ngập trong các bản dịch tiếng Việt  trên YouTube.

Thiếu ý thức gây ảnh hưởng xấu

"Những người này sử dụng lỗ hổng từ công cụ đóng góp bản dịch của YouTube để bổ sung bản dịch cho video trên. Thay vì dịch đúng nghĩa, họ lợi dụng cho mục đích cá nhân", Trần Hoàng Thiên, một người sở hữu hệ thống gồm nhiều kênh YouTube ngụ TP.HCM, nhận định.

Nhiều cộng đồng người dùng đã tham gia chỉnh sửa những bản dịch sai lệch này về đúng ý nghĩa. "Người phá quá nhiều trong khi sức lực của chúng tôi có hạn", Hoàng Duy, thành viên của nhóm J2Team cùng một số người bạn tham gia sửa bản dịch nhưng vẫn bất lực trước những người dùng thiếu ý thức.

Theo chính sách của Google, một số kênh YouTube cho phép người dùng đóng góp bản dịch tiêu đề, thông tin mô tả và phụ đề cho video của họ theo ngôn ngữ bản địa.

Bi pha, Maroon 5 va PewDiePie chan nguoi Viet dich kenh YouTube hinh anh 2
Video Sugar của Maroon 5 được dịch thành "Ồ hố".

Sau khi chủ sở hữu video phê duyệt, tác giả bản dịch sẽ được ghi nhận đã đóng góp cho phụ đề. Do nhận được quá nhiều bản dịch đóng góp, chủ nhiều kênh đã khóa hoàn toàn chức năng nhận bản dịch tiếng Việt.

Một MV của PewDiePie, YouTuber nổi tiếng nhất thế giới có bản dịch từ hơn 100 ngôn ngữ khác nhau...trừ tiếng Việt.

Các kênh lớn khóa bản dịch, chặn tiếng Việt

Ban đầu, video được đăng tải ngày 5/10/2018. Lúc này, PewDiePie cho phép người dùng trên toàn thế giới đóng góp bản dịch để mọi người có thể hiểu được. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1, trào lưu "thể hiện bản thân" bằng cách đóng góp bản dịch lan rộng khiến PewDiePie tạm thời tắt tính năng dịch tiếng Việt cho video này.

Tương tự trường hợp của kênh PewDiePie, kênh YouTube của nam ca sĩ Maroon 5 cũng khóa tính năng đóng góp bản dịch với ngôn ngữ tiếng Việt sau khi MV Sugar với 2,8 tỷ lượt xem của anh bị đổi tên thành "Ồ hố" theo cách gọi "đường" trong chương trình Táo quân 2019.

Bi pha, Maroon 5 va PewDiePie chan nguoi Viet dich kenh YouTube hinh anh 3
MV Alone trước đây cũng bị lợi dụng để quảng bá cho một kênh nghe nhạc.

Không chỉ dịch những MV nước ngoài, một số video trong nước cũng chịu cảnh nhận hàng chục bản dịch sai nội dung mỗi ngày. MV Ex's Hate Me của Bray và Masew cũng hiển thị bản dịch với nội dung quảng cáo cho Facebook cá nhân của một người ngay khi mới đăng tải.

"Nếu ý thức của nhiều người vẫn kém như vậy, người Việt sẽ không còn có thể đóng góp hay xem video trên YouTube với bản dịch chính xác nữa", Hoàng Duy chia sẻ.

Đây không phải lần đầu các tính năng đóng góp bị cộng đồng mạng Việt Nam lạm dụng.

Năm 2016, người chơi Pokemon Go trong nước đã tạo nhiều địa điểm ảo hoặc vị trí mới nhằm tăng số lượng PokeStop - khu vực người chơi nhận các vật phẩm miễn phí nhưng cần thiết, như bóng Pokeball, các loại đá hồi phục sức lực cho Pokemon…

Thậm chí, có một số người còn đặt lại tên cho địa điểm, tạo địa điểm giả mạo và “dời” nhiều địa danh từ nơi này qua nơi khác.

Theo Zing.vn

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang