Bạn có biết - Thạch Sanh là ông tổ Trend hội chơi nồi cơm điện Việt Nam

Có thể bạn chưa biết: Thạch Sanh chính là ông tổ hội chơi nồi cơm Việt Nam với chiếc niêu cơm thần thánh của mình.

Truyền thuyết gốc

Thạch Sanh mồ côi sớm, làm nghề đốn củi, sống một mình trong một túp lều dưới gốc đa. Có một người làm nghề nấu rượu tên là Lí Thông đến kết nghĩa anh em với Thạch Sanh. Trong vùng có một con Chằn tinh (hay Trăn tinh) thường bắt người ăn thịt, nên dân lập miếu thờ và hàng năm phải nộp cho nó một mạng người, mới được yên ổn làm ăn.

Năm ấy, đến lượt Lí Thông phải nộp mạng. Lí Thông bèn tính kế Thạch Sanh thế mạng cho mình. Thạch Sanh đã chiến đấu và giết chết được Chằn tinh, nhưng bị Lí Thông đoạt công, và Lí Thông được nhà vua phong làm đô đốc. Bấy giờ có công chúa Quỳnh Nga xinh đẹp đang tuổi kén chồng, một hôm bị con yêu tinh Đại bàng sà xuống cắp đi mất. Buồn rầu, nhà vua truyền cho Lí Thông đi tìm, và hứa khi tìm được sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Lúc công chúa lâm nguy, Thạch Sanh đang ở bên gốc đa, bỗng nhìn thấy Đại bàng cắp người bay qua, liền giương cung bắn trúng một cánh. Lần theo vết máu, Thạch Sanh biết được cái hang ẩn náu của Đại bàng.

Để cứu công chúa, Lí Thông tìm đến Thạch Sanh. Nghe Thạch Sanh biết được nơi ẩn náu của Đại bàng, Lí Thông liền nhờ Thạch Sanh tìm cách giải cứu. Nhưng đến khi Thạch Sanh xuống tìm rồi ròng dây đưa được công chúa lên khỏi hang, thì Lý Thông liền cho quân lính lấy đá lấp kín cửa hang, mưu giết chết Thạch Sanh để tranh công lần nữa. Trong hang, Thạch Sanh đã đánh nhau một trận dữ dội với Đại bàng, giết chết được ác thú và cứu được thái tử con vua Thủy Tề. Để đền ơn, vua Thủy Tề mời Thạch Sanh xuống thủy cung chơi. Khi Thạch Sanh lên bờ, vua tặng chàng vô số châu báu nhưng chàng chỉ xin một cây đàn thần và một cái niêu thần.

Vì oán Thạch Sanh, hồn Chằn tinh và Đại bàng lấy trộm châu báu trong cung rồi vu cho chàng. Thạch Sanh bị tống giam. Trong ngục, chàng lấy cây đàn thần ra gảy để bày tỏ nỗi lòng.

Nói về công chúa Quỳnh Nga, vì thấy Lí Thông sai lính lấp hang, mưu hại Thạch Sanh, nên uất ức hóa câm. Nay nghe được tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa bỗng nói nên lời. Nghe con tâu bày, nhà vua cho vời Thạch Sanh đến. Sau khi rõ mọi chuyện, nhà vua truyền lệnh bắt giam mẹ con Lí Thông, nhưng được Thạch Sanh xin tha cho. Trên đường trở về, mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết tươi, hóa kiếp thành bọ hung.

Phần dũng sĩ Thạch Sanh, nhà vua cho chàng kết hôn cùng công chúa Quỳnh Nga. Tức giận vì trước đây bị công chúa từ chối lời cầu hôn, thái tử mười tám nước chư hầu cùng kéo quân sang đánh. Thạch Sanh lại đem cây đàn thần ra gảy. Tiếng đàn làm quân đối phương rã rời vì nhớ quê, nhớ vợ con... nên không đánh cũng tan. Trước khi rút về nước, đội quân đông đảo ấy còn được Thạch Sanh cho ăn một bữa cơm. Niêu cơm tuy nhỏ nhưng ăn bao nhiêu cũng không hết.

Về sau Thạch Sanh được phong làm vua và sống hạnh phúc mãi mãi với công chúa Quỳnh Nga.

-------

Tương truyền, Thạch Sanh có một cái niêu cơm quý do vua Thủy tề ban tặng. Sau khi chiêu hàng được loạn quân của mười tám nước chư hầu,  phò mã Thạch Sanh đã lấy cái niêu này ra nấu cơm để thết đãi bọn họ một bữa. Thấy niêu quá nhỏ, ban đầu ai nấy đều tỏ vẻ cười chê. Biết ý, Thạch Sanh liền thách rằng nếu bọn họ ăn hết được cơm trong niêu thì chàng sẽ ban thưởng thật hậu.

Nghe vậy, quân đội của 18 nước chư hầu liền xới cơm nhưng lạ thay, càng xới thì cơm lại càng đầy, mãi mà không hết. Ăn uống no nê, mười tám đạo quân chư hầu đều cảm động lạy tạ mà rút về. Đất nước lại một lần nữa yên bình. Thạch Sanh sau đó đã cùng với cái niêu sống một cuộc đời hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Bạn có biết - Thạch Sanh là ông tổ Trend hội chơi nồi cơm điện Việt Nam

Nguồn: THẾ GIỚI THẦN THOẠI

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang