Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng

Bom tấn thương mại mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu "The Great Wall" (tựa tiếng Việt: Tử Chiến Trường Thành) tiết lộ một câu chuyện "chưa kể" rát tráng lệ và hấp dẫn về Vạn Lý Trường Thành, nhưng lại khiến những người hâm mộ đạo diễn họ Trương không hài lòng.

Trường Thành, ngay từ cái tên, đã hướng sự chú ý của người xem đến Vạn Lý Trường Thành - một trong 7 kỳ quan thế giới, một công trình đầy tinh hoa và bề thế của Trung Quốc được xây dựng từ thời của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Công trình khổng lồ có chiều dài vạn lý này không chỉ là niềm tự hào của người Đại Lục mà còn là nguồn cảm hứng của nhiều đạo diễn, tác giả. Và "Trường Thành" của Trương Nghệ Mưu chính là một câu chuyện "hư cấu" dựa trên sự đồ sộ thực tế của kỳ quan này, nói về tầm quan trọng của trường thành trong công cuộc bảo vệ sơn hà cũng như tài dụng binh, thao lược của các tướng sĩ đời nhà Tống.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 1.

William (Matt Damon) cùng người bạn đồng hành Tovar (Pedro Pascal) trong một chuyến đi đến Trung Quốc để tìm hỏa dược - loại vũ khí bí mật của nhà Tống thời bấy giờ - bất ngờ bị cướp vây bắt. Trong lúc trốn chạy, cả hai chạm trán một sinh vật bí ẩn và nguy hiểm. Vì chặt được cánh tay của sinh vật này mà William với Tovar bị đội quân triều đình bắt về Trường Thành điều tra. Tại đây, cả hai mới biết được "nhiệm vụ" thực sự của Trường Thành là gì, cũng như kẻ "ngoại xâm" mà Trung Hoa đang đối đầu lúc bấy giờ là lũ quái vật có tên Thao Thiết.

Đứng trước những cuộc chiến dữ dội và quy mô của nhà Tống với binh đoàn Thao Thiết nhiều nhung nhúc, dòng máu anh hùng trong William trỗi dậy. Anh bắt buộc phải lựa chọn đứng về phía nhân loại hoặc trở thành tên trộm hỏa dược rồi âm thầm bỏ trốn trong lúc giao tranh.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 2.

Pedro Pascal (trái) và Matt Damon (phải)

Bộ phim có phần mở đầu rất hấp dẫn, kịch tính. Chỉ với đôi dòng giới thiệu về sự quy mô của Vạn Lý Trường Thành cùng cảnh dàn trận lớp lang, hoành tráng của quân lính nhà Tống, bộ phim dễ dàng khiến khán giả tập trung và tò mò. Vào năm 2010, họa sĩ Hajime Isayama đã "dựng nên" những bức tường thành, "vũ khí" duy nhất của nhân loại trong cuộc chiến trường kì chống Titan (những kẻ khổng lồ) trong bộ truyện Shingeki no Kyojin (Đại chiến Titan).

Bộ truyện tranh này nhanh chóng gây được tiếng vang khắp thế giới, nhiều tác phẩm "cross-over" với các thương hiệu như Spider-Man, Avengers cũng được ra đời. Không biết có sự trùng hợp nào không về nội dung dùng trường thành chống lại quái vật nhưng Vạn Lý Trường Thành là một công trình có thật. Việc "biến hóa" một công trình lịch sử trong nội dung bộ phim viễn tưỡng là một sáng tạo đáng ghi nhận của Trương Nghệ Mưu. Sự sáng tạo này khiến cho khán giả cảm thấy mới lạ và tò mò hơn về "duyên nợ" của Trường Thành và bọn quái Thao Thiết.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 3.

Binh đoàn Thao Thiết nhung nhúc khiến người xem nổi da gà

Tuy nhiên, giai thoại về nguồn gốc của Thao Thiết được kể trong phim lại không được ấn tượng. Phần hình ảnh được thực hiện rất thu hút như trên những cuộn tranh cổ, kể về sự trừng phạt của Trời dành cho con người thông qua Thao Thiết dù mang nhiều triết lí nhưng lại không rõ ràng. Còn rất nhiều chi tiết về loài quái vật "thứ gì cũng ăn" này nhưng vẫn chưa được hé lộ, cũng như có những thông tin được nêu ra nhưng lại không được khai thác hợp lý trong diễn biến sau đó. Những người trông chờ vào một "bí mật" động trời về Thao Thiết và triều đình hay gì đó đại loại vậy đành ngậm ngùi thất vọng vì Thao Thiết chỉ đơn giản là quái vật. Và Trường Thành cũng đơn giản là một phim bom tấn cháy nổ mãn nhãn kể về cuộc chiến của anh hùng chống lại quái thú.

Nói nôm na thì kịch bản của Trường Thành bị một màu trong khi bộ phim có rất nhiều màu, rất nhiều thứ đáng lẽ có thể phát triển thêm. Các nhân vật được phân tuyến rõ ràng, có vai trò nhất định nhưng càng về cuối càng nhạt nhòa. Các ngôi sao Hoa Ngữ như Bành Vu Yến, Lâm Canh Tân, Trương Hàm Dư, Luhan hay thậm chí là Lưu Đức Hoa đều nhạt vì ít đất diễn, nhân vật thì không có gì đặc biệt ngoài màu sắc trang phục. Nhân vật thú vị nhất trong những người kể trên có lẽ là vai anh lính nhút nhát của Luhan nhưng do là vai phụ nên cũng trở nên dễ đoán.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 4.

Dàn trai đẹp "siêu phụ" của phim

Với kinh phí đầu tư lên đến 150 triệu đô la Mỹ, do Universal hợp tác sản xuất và Trương Nghệ Mưu cầm trịch, không khó hiểu khi có sự xuất hiện của tên tuổi lớn Hollywood. Nhưng, thật may mắn khi Matt Damon đã thực sự trở thành "anh hùng" trong bộ phim chứ không xuất hiện để câu khách. Vai diễn William tuy không mới, không có điểm nhấn ấn tượng nhưng do diễn xuất nhún nhường của Matt khiến tính cách nhân vật được thể hiện rõ ràng. Khán giả dễ dàng tập trung được vào "hành trình" tranh đấu trong bản thân của William bên cạnh cuộc chiến dữ dội của nhân loại.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 5.

Vạn Lý Trường Thành chìm trong làn sương trắng

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 6.

Khung cảnh tuyệt đẹp khi các chiến binh tiến về kinh thành

Nhưng đây lại trở thành một "điểm gây công kích" của khán giả Trung Quốc. Sự phản ứng dữ dội trên các diễn đàn, mạng xã hội khi phim vừa công chiếu ngoài việc chê bai nội dung phim đơn giản, màu mè thì còn là sự "phẫn uất" mang tính dân tộc khi một chàng tài tử da trắng trở thành anh hùng ở thời nhà Tống. Trong khi đó, cô nàng Điện soái họ Trần xinh đẹp do Cảnh Điềm thủ vai dù nắm vai trò quan trọng nhất trong dàn sao Hoa Ngữ thì lại trở thành một nhân vật "ăn may" nhiều hơn là thực lực. Diễn xuất chưa chín mùi của Cảnh Điềm cũng khiến nhân vật của cô trở nên "ba chìm bảy nổi" khi phải so găng với Matt Damon và các ngôi sao Tây phương trong lãnh địa diễn xuất.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 7.

Cảnh Điềm

Dù nội dung của Trường Thành quá đơn giản đến nỗi hụt hẫng nhưng cũng không thể phủ nhận tầm vóc mà bộ phim đang sở hữu. Những sắp đặt về màu sắc trên trang phục của các đội binh không phải do Trương Gia thích màu mè mà hoàn toàn có dụng ý.

Nhiệm vụ của từng đội cũng được giới thiệu khéo léo qua cuộc chiến ở đầu phim, giúp khán giả dễ dàng nhớ được các nhân vật chủ chốt. Nhiều "chiêu trò" trong dụng binh, thao lược cũng được chăm chút như chi tiết dùng những chiếc loa khổng lồ để nghe tiếng chân Thao Thiết, dùng mũi tên để phân định hướng di chuyển hay sự linh hoạt trong việc đóng, mở tường thành để chiến đấu cũng vô cùng thú vị. Sự sáng tạo trong những chi tiết và phân đoạn nhỏ này chứng tỏ "đẳng cấp" của Trương Nghệ Mưu. Tiếc thay có lẽ sự hào nhoáng đã khiến những gì cốt lõi trong tâm hồn nghệ thuật của Trương Gia bị mai một.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 8.

Bên cạnh đó thì kĩ xảo và bối cảnh của phim cũng rất hoành tráng, được đầu tư kĩ lưỡng. Hình ảnh Trường Thành chìm trong sương hay khi các quả đạn dược được bắn lên, những chiếc đèn lồng thả bay rợp trời chắc chắn sẽ làm khán giả trầm trồ. Biện Kinh (kinh thành thời nhà Tống) dù chỉ xuất hiện ở phần cuối nhưng cũng được đầu tư để xuất hiện. Nhưng việc "di dời" chiến trường từ Trường Thành sang Biện Kinh ở trận chiến cuối cùng không khỏi tạo ra sự thất vọng. Thất vọng vì cái tên Trường Thành rốt cuộc lại "mất chỗ đứng" vào thời khắc quan trọng, thất vọng hơn vì Trương Gia "ham" phô diễn sự hoành tráng mà không thể đưa Vạn Lý Trường Thành trở thành "ngôi sao" thực sự như kì vọng của người xem lúc đầu.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 9.

Williem Dafoe với vai diễn Ballard tuy ít nhưng vẫn chất

Dù được công nhận là một đạo diễn tài hoa với các phim nghệ thuật từ thập niên 90 như Lồng Đèn Đỏ Treo Cao (1991), Thu Cúc Đi Kiện (1992), Sơn Tra Thụ Chi Luyến (2010) nhưng Trương Nghệ Mưu cũng khéo léo khẳng định được tên tuổi trong các bom tấn cổ trang như Thập Diện Mai Phục (2004) hay Hoàng Kim Giáp (2006). Có điều, chất lượng phim của ông ngày càng đi xuống.

Vào năm 2011, Trương Nghệ Mưu từng cho ra mắt Kim Lăng Thập Tam Hoa lấy bối cảnh thời Trung Hoa Dân Quốc chống Nhật với sự tham gia của tài tử Christian Bale trong vai chính, bên cạnh Nghê Ni. Và bộ phim cũng bị cho rằng chỉ có cái vỏ hoành tráng bên ngoài chứ nội dung chưa đủ sức nặng. Không may cho Trương Gia khi Trường Thành thậm chí còn "chán" hơn Kim Lăng Thập Tam Hoa.

Tử Chiến Trường Thành - Hoành tráng, đầy màu sắc nhưng sáo rỗng - Ảnh 10.

Nhưng ít nhiều thì với khán gỉa đại chúng, bộ phim vẫn còn có thể được "vớt vát" bởi phần hình ảnh hết sức chỉn chu và mãn nhãn. Nếu không quá xét nét về nội dung hay không "thần tượng" Trương Nghệ Mưu, Trường Thành vẫn là một bom tấn dễ xem và xứng đáng trải nghiệm.

Nguồn: Kenh14

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Hãng Netflix Và Kế Hoạch Đưa Nhiều Phim Trên Nền Tảng Phát Trực Tuyến Ra Rạp

Hãng Netflix Và Kế Hoạch Đưa Nhiều Phim Trên Nền Tảng Phát Trực Tuyến Ra Rạp

Nguyễn Võ Bảo Phương

Netflix - nền tảng phát trực tuyến hàng đầu thế giới, đang từng bước thử nghiệm đưa các bộ phim của mình lên màn ảnh rộng, mở ra cơ hội mới cho các tựa phim độc quyền. Gần đây, thỏa thuận hợp tác giữa Netflix và IMAX đã được công bố là bước đầu trong chiến lược này. Cùng xem nhé!

Phim Ảnh
Lên đầu trang