Đã 6 tháng trôi qua và buộc phải thừa nhận nửa đầu năm 2017 địa phận phim điện ảnh Việt có nhiều tin vui.
Năm 2016 vừa qua là một năm hỗn loạn đầy bất ngờ của phim điện ảnh Việt Nam khi mà gần như không thể đào ra một bộ phim trọn vẹn từ chất lượng đến doanh thu, cũng như khán giả phải chứng kiến nhiều cú té mà trời chắc cũng chưa tính tới của những bom tấn vài chục tỉ.
Mùa phim Tết 2017 lặng lẽ hơn so với mọi năm
Cũng vì tâm trạng đó mà 2017 bắt đầu với một sự ì ạch đầy ngán ngẩm cùng những bộ phim không thể khiến người ta trông đợi gì. Ba bộ phim cùng nhau ra mắt trong mùa Tết: Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu, Rừng Xanh Kỳ Lạ Truyện và Nàng Tiên Có 5 Nhà đều không được bàn tán nhiều.
Ở thời buổi mạng xã hội thống trị nhiều thứ mà một bộ phim ra mắt với sự truyền miệng èo uột thì được xem là một thất bại. Tất nhiên, vấn đề doanh thu lại là một chuyện khác khi mà những phim Việt chiếu Tết thường sinh lời nhờ một công thức chung: phim gia đình + danh hài. Thế nên Nàng Tiên Có 5 Nhà, tên phim nghe là biết chẳng có gì để mong đợi cũng đường hoàng trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mùa Tết. Nhưng cụ thể bao nhiêu lại được giữ bí mật, tức là con số không quá khủng, cũng dễ hiểu.
Đồng hành với phim Việt Tết ta chính là 2 phim Việt chiếu từ Tết tây: Chạy đi rồi tính và Chờ em đến ngày mai. Xét về tổng thể, hai phim này có chất lượng tốt hơn hẳn những phim công chiếu trong Tết Nguyên đán nhưng cũng vì chưa thể thoả mãn khán giả nên thành công cũng chỉ dừng lại ở mức tạm được.
Làn sóng phim nhân văn gây nhiều chú ý trong tháng Ba
Ngay sau cú bồi ba phim khiến sự trông chờ dành cho phim Việt muốn tắt ngúm thì đến đợt tấn công của làn sóng nhân văn. Quay trở lại sau sáu năm, Hot boy nổi loạn 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lập tức trở thành một chủ đề bàn tán rôm rả khắp nơi. Với kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 3 tỉ, cộng với hiệu ứng số đông và sự ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng LGBT, bộ phim chưa ra rạp đã chắc chắn có lãi.
Xét một cách công bằng, Hot boy nổi loạn 2 thể hiện rõ tư duy và sự dấn thân đổi mới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng như nhà sản xuất Lương Mạnh Hải. Nhưng cũng vì muốn tiết chế thế mạnh vốn đã làm nên thương hiệu mà phần 2 lý ra rất được trông chờ lại trở nên lao đao trong chính chặng đường của mình, với cái kết gây hụt hẫng cho khán giả.
Trong tháng Ba còn có Dạ cổ hoài lang (Nguyễn Quang Dũng) và Lô tô (Huỳnh Tuấn Anh) cũng nằm trong làn sóng phim nhân văn khi khai thác những phận đời trôi nổi trong xã hội. Cả hai bộ phim nhìn chung đều tạo được cái nhìn thiện cảm nơi đại chúng vì gây được cảm xúc. Tuy nhiên về mặt kĩ thuật và chuyên môn, cả Dạ cổ hoài lang lẫn Lô tô đều có nhiều lỗ hổng. Vì điều này cộng với chủ đề phim hơi nặng nề, bi kịch mà phần đông khán giả trẻ đã ngó lơ. Theo thông tin thu được thì Lô tô tuy lãi nhiều nhưng doanh thu cũng chỉ hơn 20 tỉ.
"Em chưa 18" trở thành phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam
Và rồi, Em chưa 18 xuất hiện trong sự nghi hoặc rồi bất ngờ của khán giả. Chẳng ai nghĩ một bộ phim về tuổi học trò, nội dung bình thường, thậm chí lại mang màu sắc hơi lỗi thời của phim học đường Mỹ cách đây hơn chục năm lại trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử phòng chiếu Việt với hơn 170 tỉ.
Đã có quá nhiều bài phân tích lý do thành công cũng như mổ xẻ vấn đề doanh thu của phim nhưng buộc phải thừa nhận sự thành công của Em chưa 18 là một tổ hợp hoàn hảo của thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Một bộ phim được kể tốt, diễn viên khiến khán giả phải gật gù công nhận cộng với thời điểm ra mắt nhiều thuận lợi thì chắc chắn phải thành công.
Và sự thành công này đã giúp cho thị trường lấy lại được hứng khởi, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã làm được cách đây 2 năm. Luôn là như vậy, một nhân vật chính diện xuất hiện lúc thời cuộc nhiễu nhương chính là kẻ được tôn thờ, "thời thế tạo anh hùng" chính là dành để miêu tả Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn.
Tuy nhiên, cũng chính sự hào hứng và hy vọng của khán giả dành cho Em chưa 18 mà hầu như các phim Việt khác ra mắt gần thời điểm đó đều chịu cảnh bèo bọt. Điển hình chính là Có căn nhà nằm nghe nắng mưa hay Vú em tập sự. Cả hai bộ phim này đều không quá tệ, có phim còn nuôi được cảm xúc khá tốt nhưng cũng chính vì những lổ hổng trong cách kể chuyện, cách xây dựng một kịch bản chưa đúng công thức đã khiến bộ phim bị nhấn chìm trước Em chưa 18 và các phim ngoại khác.
Hoặc cũng có thể nhắc đến Bạn gái tôi là sếp, một bộ phim remake và cũng có nữ chính là Miu Lê (thành công vang dội từ Em là bà nội của anh) nhưng vẫn không tạo được hiệu ứng như mong đợi. Chính những kết quả như thế này đã khiến thị trường phim Việt ngày càng trở nên khó hiểu và khó đo lường trong mắt những người làm nghề.
Nhưng thực ra mọi thứ có thể lý giải rất đơn giản theo một quy luật muôn đời: phim tốt thì sẽ được đón nhận. Và tốt ở đây phải là một tổng thể được tính toán đa chiều từ kịch bản, cách kể chuyện, nhịp độ, diễn xuất và thành ý của bộ phim. Ở một nền điện ảnh đang phát triển hỗn loạn như Việt Nam thì mọi thứ không cần quá xuất sắc, nhưng buộc phải vừa vặn. Không thể xem thường khán giả như [S.O.S] Sói trắng mà cũng không thể chỉ chú trọng vào một hai yếu tố nào đó mà xem nhẹ những thứ còn lại. Có một điều khá quan trọng đã nhắc đến bên trên trong sự cấu thành một chiến thắng của phim, chính là thành ý của người thực hiện.
"Cha cõng con" và "Đảo của dân ngụ cư" - hai phim nghệ thuật kén khán giả
Nghe có vẻ mông lung nhưng điều này lại hơi phức tạp, liên quan đến cả tư duy điện ảnh lẫn sự tương quan thời đại. Một bộ phim được làm ra cho công chúng thì buộc phải có sự giao thoa trong hướng nhìn của người đạo diễn và người xem. Chẳng thể nào kể những câu chuyện cho người của thời đại công nghệ, thời mà con người sống vội sống vàng theo cách của một thời đại cũ.
Ví dụ như Cha cõng con hay Đảo của dân ngụ cư, hai bộ phim được xếp vào trường phái nghệ thuật, kén khán giả. Nhưng không thể vì như thế mà lại chú tâm xây dựng bộ phim theo mô-tuýp cũ kĩ. Những bi kịch và cách nhìn trong hai bộ phim này đều quá lỗi thời, nó dường như cự tuyệt với mọi sự đổi mới trong điện ảnh dù là những phương thức kể chuyện, xử lý tình huống nhỏ nhất nên không tránh khỏi việc giới trẻ không chạm đến được cái lõi của phim.
Chẳng thể nào lấy lý do tôi làm phim chỉ cho những người lớn hay những kẻ có tâm hồn sâu sắc chiêm nghiệm, nếu thật sự như thế thì xin lỗi vì đã đem Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư vào bài viết này. Tất nhiên, hai bộ phim này đều không dở, thậm chí là rất hay với một số đối tượng nhưng cách tiếp cận lại quá lạc lõng với số đông, thành ra bị quên lãng nhanh chóng.
Bộ phim cuối cùng trong tháng 6, Xóm trọ 3D vẫn là một sản phẩm bị cũ nhưng may mắn nó lại sở hữu những nét duyên và sự đơn giản trong việc xây cảm xúc cho khán giả. Có thể nói bộ phim là một bất ngờ nho nhỏ khi mà người ta cười được, xúc động được với một câu chuyện đơn giản, cũ xì nhưng lại bám được vào cái barem mình đã đặt ra, cũng như thể hiện được thành ý. Những người “bóng gió” không chỉ có những cuộc đời bi kịch, lầm lũi mà họ còn có những nỗi vui rất bình dị mà ta nhìn thấy hàng ngày. Không cần phải gồng lên để bi kịch rồi hỏng hết cả thành ý ban đầu của bộ phim như Lô tô, Xóm trọ 3D kết thúc nửa năm 2017 trong sự hân hoan nhẹ nhàng và đầy thành ý.
Nhưng vui thì cũng chỉ mới vui một nửa, sau nhiều lần bị cho “lên voi” rồi “xuống chó”, giờ đây khán giả chẳng dám trông chờ vào điều gì tuyệt đối. Thế nên, bầu hỷ tửu cũng chỉ mới chắt được nửa bình, phải chờ xem nửa bình còn lại có được rót hay không.
Đa Đo