Bão Tembin cấp thảm họa: Dốc toàn lực ứng phó

TP - “Chúng ta lưu ý rằng, cơn bão Linda năm 1997 gây tới 3.000 người chết, mất tích. Đây là bài học kinh nghiệm đau xót. Tôi đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng, không được chủ quan, coi thường tính mạng của người dân”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương ứng phó với bão Tembin (bão số 16).

Nói về cơn bão Tembin, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết: “Đây là cơn bão đặc biệt, là cơn bão số 16 - số cơn bão kỷ lục chưa từng có trong một năm trên biển Đông. Trong lịch sử cũng chưa từng có cơn bão nào mạnh cấp 12, vào tháng 12 ở Nam biển Đông, ảnh hưởng đến nước ta như vậy”.

 

Bão Tembin cấp thảm họa: Dốc toàn lực ứng phó - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Cường, lúc 16 giờ ngày 24/12, bão cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 120 km phía đông, sức gió cấp 12, giật 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, giật cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão; vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. Sóng biển cao 6-7 mét.

 

Ông Cường cho biết, nhận định của cơ quan dự báo quốc tế cũng như của Việt Nam đều khá sát nhau: Bão mạnh nhất lúc đi qua đảo Trường Sa, là cấp 12, giật cấp 15. Sóng biển cao trên 10 mét. Khi bão đi đến Côn Đảo sẽ còn cấp 11, giật cấp 14, sóng biển cao 5-7 mét.

Sau đó, khả năng bão suy yếu dần khi vào gần bờ biển nước ta.  “Khoảng đêm 25, rạng sáng 26/12, bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, các tỉnh Tây Nam bộ có nguy cơ gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, nên độ rủi ro thiên tai là cấp 4. Tuy nhiên, vùng gió mạnh sẽ đến sớm hơn. Từ chiều 25, từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau, gió mạnh từ cấp 6-7 đến cấp 10. Các tỉnh Đông Nam bộ, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

“Lúc đổ bộ sóng biển cao 0,5-1 mét, cùng với thủy triều, nhiều khả năng mực nước dâng sẽ phá kỷ lục được thiết lập ở Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 16/12 mới đây”- ông Cường cho biết.

Cơ quan dự báo khí tượng cũng nhận định, bão sẽ gây mưa cho các tỉnh Tây Nam bộ 100-200 mm, mưa từ ngày 25 đến 26/12. Các tỉnh miền Trung cũng mưa 300 mm, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bão Tembin bão rất mạnh, khi tràn qua Philippines đã khiến hàng trăm người chết, mất tích, sức tàn phá rất lớn. “Bão số 16 là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), tốc độ di chuyển nhanh, khả năng vào vùng rất ít xảy ra bão…Hiện toàn tuyến từ Quảng Nam đến Kiên Giang, sạt lở bờ biển, bờ sông rất nhiều. Khu vực bị ảnh hưởng có địa hình bằng phẳng, là vựa nuôi trồng thủy sản. Đồng bằng sông Cửu Long, có trên 200 nghìn ha lúa mùa, thu đông đang thu hoạch”- Bộ trưởng Cường nói.

Không chủ quan, coi thường bão

Chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bão số 16 là cơn bão mạnh, kết hợp với triều cường có thể gây thảm họa, thiệt hại lớn nếu chủ quan, sơ suất trong chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu, tất cả địa phương, người dân, theo dõi sát thông tin, quán triệt đến người dân không được chủ quan về nguy cơ bão số 16 đang đổ bộ. Yêu cầu đài khí tượng, Bộ TN&MT theo dõi sát sao với tất cả khả năng, kịp thời thông báo tình hình đến địa phương và người dân.

“Tất cả các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo chống bão. Trong vùng trọng  điểm, nguy hiểm, đặc biệt là Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, TPHCM, Bến Tre trực tiếp theo dõi tình hình, cần thiết cho học sinh nghỉ học”. 

 

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Các địa phương có biện pháp cần thiết, di dời dân đến vùng an toàn, như khu vực Cà Mau, Bạc Liêu, TPHCM đang triển khai. Đặc biệt, các địa phương huy động các lực lương, nhất là công an, quân đội, thanh niên, giúp dân chằng chống nhà cửa, hạn chế nhà bị sụp đổ khi bão vào.

Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo an toàn cho các giàn khoan, tàu biển khi đi vào vùng bão, cần thiết đóng giàn khoan, đưa công nhân vào nơi an toàn. Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia phải triển khai kịp thời.

Trên bờ, Thủ tướng yêu cầu thực hiện “xanh nhà, hơn già đồng”, kể cả lúa, màu, tôm và các loại thủy sản, có thể thu hoạch sớm, không để thiệt hại quá lớn trong khi bão vào.  

Ngay trong tối 24/12, Thủ tướng cũng cử ngay một đoàn công tác vào phía Nam và sáng 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường  sẽ dẫn đầu các đoàn trực tiếp đôn đốc các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão.

“Phải đôn đốc đến từng gia đình, có biện pháp để giảm thiểu thiệt hại khi bão đến. Chúng ta lưu ý rằng, cơn bão Linda năm 1997 làm 3.000 người chết, mất tích. Đây là bài học kinh nghiệm đau xót. Tôi đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng, không được chủ quan, coi thường tính mạng của người dân”.

Thủ tướng cũng yêu cầu, tất cả các tàu khi cập bờ, ngư dân phải lên bờ, giao các lực lượng phải quản lý phương tiện, không để người ở trên tàu, khi va đập gây chết người như một số nơi đã xảy ra. “Khi cần thiết, tôi đồng ý dùng biện pháp mạnh để cứu hộ những tàu cố tình không chấp hành, gây thiệt hại không đáng có”- Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng, nhắn tin đến các thuê bao lưu ý về cơn bão này, đề cao cảnh giác và có biện pháp đối phó. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành có biện pháp cụ thể, khắc phục chỉ đạo ngay sau bão số 16 đổ bộ, không để nhân dân gặp khó khăn, bị đói, bệnh tật sau bão.

Theo Tienphong.vn

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang