“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh

Phần ba của loạt phim về cuộc chiến giữa người và khỉ là đoạn cuối đen tối, ngập tràn cảm xúc và gây ám ảnh cho người xem.

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Pierre Boulle, Hành tinh khỉ từng một thời là loạt phim ăn khách của điện ảnh Hollywood. Thương hiệu phim vốn đã ngủ yên từ thập niên 70 được Tim Burton đánh thức vào năm 2001 bằng một phiên bản làm lại không được đánh giá cao.

Vì thế, khi Rise of the Planet of the Apes được thực hiện với danh nghĩa mở đầu loạt phim reboot Hành tinh khỉ, nhiều người đã hoài nghi chất lượng và khả năng thành công. Tuy nhiên, bộ phim bất ngờ vượt lên trên mọi kỳ vọng, khởi đầu cho một trilogy xuất sắc của điện ảnh đương đại. Giống như loài khỉ trong phim tiến hoá và ngày càng thông minh, phần tiếp theo của loạt phim ngày càng vượt mặt phần tiền nhiệm. Trilogy khép lại với một cái kết cân bằng cả tính giải trí và nghệ thuật, xứng đáng là phần hay nhất trong tất cả các phim về Hành tinh khỉ từ trước đến nay.

“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh
“War for the Planet of the Apes” đánh dấu chặng cuối khốc liệt nhất trên hành trình giành tự do của loài khỉ

Ở phần hai, khỉ Koba bạo chúa dẫn đầu cuộc tấn công vào căn cứ của loài người, khơi mào chiến tranh. Sau khi đánh bại Koba, thủ lĩnh loài khỉ Caesar (Andy Serkis) cùng giống loài của mình tìm nơi ẩn náu, tránh khỏi cuộc trả đũa của loài người.

Phần ba lấy bối cảnh hai năm sau các sự kiện trên, virus cúm khỉ lúc này đã có biến thể vô cùng nguy hiểm, khiến con người đánh mất khả năng ngôn ngữ và trí tuệ. Hận thù dâng cao, Đại tá McCullough (Woody Harrelson) tập hợp những binh lính sống sót trong một khu quân sự biệt lập, quyết tâm tiêu diệt loài khỉ. Sau khi chứng kiến vợ con bị Đại tá sát hại, Caesar rời bỏ đàn đang đi tìm nơi lánh nạn, một mình lao vào cuộc trả thù cá nhân.

Nhuốm màu bi thương và khốc liệt, nhưng War for the Planet of the Apes không thể hiện cuộc chiến ở những trận đánh quy mô lớn. Tác phẩm tập trung vào cuộc đấu trí cân não cũng như chuyển biến tâm lý của cả hai phe người và khỉ để lý giải bản chất của cuộc chiến: cuộc đấu tranh giành lấy vị trí cao nhất trên nấc thang tiến hoá của tự nhiên.

“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 2
Hành trình trưởng thành của khỉ Caesar qua ba phần phim

Nửa đầu phim, sự đối lập giữa người và khỉ được khắc hoạ rõ nét, với Caesar là anh hùng của cuộc chiến. Qua ba phần phim, khán giả đã thực sự thấy được hành trình trưởng thành của Caesar. Trong phần một, từ một chú khỉ thông minh muốn hoà nhập với cuộc sống con người, Caesar nhận ra bản chất tàn ác của họ và quyết định giành lấy tự do cho mình và đồng loại. Ở phần hai, Caesar xây dựng vương quốc riêng tránh xa thế giới loài người và mong muốn cuộc sống hoà bình. Đến phần cuối, cuộc chiến không tránh khỏi với loài người đặt Caesar vào thử thách cao nhất, mà cách Caesar đối mặt nó chính là đỉnh điểm của quá trình tiến hoá.

Hình tượng viên Đại tá được lấy cảm hứng từ nhân vật Đại tá Kurtz – người chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh đến hoá điên trong tác phẩm kinh điển Apocalypse Now (1979). Chỉ khác là, McCullough là phiên bản độc tài và tàn nhẫn hơn. Gã sẵn sàng trừ khử tất cả những người nhiễm bệnh, kể cả con mình. Gã lạnh lùng quan sát loài khỉ bị đánh đập như nô lệ trong lúc cạo nhẵn quả đầu, như để nhấn mạnh sự khác biệt với loài khỉ lông lá.

Càng về sau, ranh giới giữa anh hùng và phản diện càng mong manh. Trong cuộc trả thù, Caesar nhiều lần đối mặt với bóng ma của Koba và tự hỏi liệu chính mình đang trở nên giống kẻ không xứng đáng thuộc về loài khỉ. Cuộc đấu tranh nội tâm của Caesar cũng quyết liệt không kém trận chiến đang diễn ra. Giữa mong muốn hoà bình và khao khát trả thù, Caesar nhận ra nó bị chi phối bởi cả hai như loài người. Viên Đại tá, đằng sau tất cả sự tàn ác, là lý tưởng bảo vệ vị thế làm chủ hành tinh của giống nòi. Trong cuộc chiến giành quyền thống trị ấy, không có chỗ cho sự khoan nhượng.

“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 3
Nhân vật Đại tá do Woody Harrelson thủ vai

Từ đầu đến cuối loạt phim, loài người luôn được khắc hoạ là kẻ gây ra chiến tranh và tự huỷ diệt bởi bản tính tham lam. Nhưng khi chứng kiến nền văn minh của loài người trong giờ khắc lụi tàn, mấy ai còn có thể trách cứ sự điên cuồng của Đại tá? Và nếu hình dung đến viễn cảnh loài khỉ thống trị Trái Đất, liệu chúng có tạo nên một thế giới của hoà bình và công lý? Rõ ràng không có người đúng, kẻ sai trong cuộc chiến. Và bộ phim đã vô cùng đúng đắn khi để người quyết định kết cục là tự nhiên: loài có sức sống mạnh mẽ hơn luôn là kẻ chiến thắng.

Để khắc hoạ chuyển biến tâm lý của nhân vật, phim chọn cách mô tả trận chiến bằng một cuộc vượt ngục mang dáng dấp của các phim nổi tiếng như The Great Escape (1963) hay The Shawshank Redemption (1994). Chính trong cảnh tù đày, Caesar thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh và chứng minh được sự sáng suốt của một người lãnh đạo thực thụ. Cũng chính trong hoàn cảnh ấy, loài khỉ chứng minh mình là một giống loài thông minh và mưu trí, xứng đáng có vị thế ngang bằng với con người.

Dù dành phần lớn thời lượng miêu tả cuộc vượt ngục, phim cũng không quên gây ấn tượng với những cảnh đánh nhau quyết liệt ở đoạn mở đầu và cảnh cao trào cuối phim. Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt nhất nằm ở tạo hình của loài khỉ. Từng chi tiết của nhân vật được chăm chút kỳ công, phối hợp với công nghệ mô phỏng chuyển động (motion capture) đã đạt đến độ hoàn hảo để tạo nên các nhân vật khỉ vô cùng chân thật trên màn ảnh. Nhiều cú máy cận dừng lại rất lâu trên gương mặt của khỉ, miêu tả tinh tế cảm xúc nhân vật.

Trong vai Caesar, Andy Serkis đã có màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn. Dù xuất hiện trong phim dưới tạo hình của công nghệ hình ảnh, Andy Serkis vẫn chứng minh tài năng diễn xuất bằng biểu cảm đa dạng của Caesar, đến nỗi lấn át cả các nhân vật người đóng. Từ Gollum trong The Lord of the Rings đến King Kong, và với đỉnh cao là khỉ Caesar, có lẽ đã đến lúc Viện Hàn lâm phải cân nhắc tôn vinh Andy Serkis tại Oscar.

“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 4
Cô bé Nova mang đến những khoảnh khắc trong trẻo giữa khói đạn và máu đổ trong cuộc chiến

Tuyến nhân vật phụ trong phim cũng vô cùng thú vị, có vai trò hợp lý và để lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Đười ươi Maurice – cánh tay phải của Caesar, luôn thông thái, điềm tĩnh và bao dung, chở che kẻ yếu. Hai trợ thủ đắc lực và trung thành của Caesar – Luca và Rocket tô điểm cho tình đồng loại của loài khỉ, thứ hoàn toàn thiếu vắng bên phe người.

Chú khỉ Bad Ape là mắt xích quan trọng trong mạch truyện, đồng thời, mang đến nhiều tình huống hài hước làm dịu bầu không khí đen tối và căng thẳng của bộ phim. Cô bé Nova là hình ảnh tuyệt đẹp giữa cuộc chiến bi thương, phản chiếu phần thuần khiết nhất của loài người – thứ chỉ tồn tại khi con người đánh mất sức mạnh và trở thành kẻ yếu thế.

Bộ phim còn được nâng đỡ rất nhiều bởi phần nhạc nền xuất sắc của Michael Giacchino. Từ tiếng trống bộ lạc trong đoạn mở đầu đầy kịch tính, khúc giao hưởng nặng nề lồng vào những khoảnh khắc khốc liệt của cuộc chiến hay tiếng vĩ cầm da diết trong những phân cảnh nhiều cảm xúc, âm nhạc đã góp phần tạo nên thành công chung của tác phẩm.

Vượt tầm một bom tấn thông thường, War for the Planet of the Apes khiến người xem phải chiêm nghiệm và ám ảnh bởi triết lý tồn tại mà phim đặt ra thông qua cuộc chiến giữa người và khỉ. Tác phẩm xứng đáng khép lại một trong những bộ ba phim xuất sắc nhất từng được thực hiện.

Theo Muzuco


Một số hình ảnh trong phim

“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 5“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 6“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 7“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 8“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 9“War for the Planet of the Apes”: hồi kết tàn khốc và ám ảnh 10

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang