“Spider-Man: Homecoming”: Bổ sung xứng đáng dành cho Vũ trụ Điện Ảnh Mavel

Sau màn ra mắt đầy ấn tượng trong “Captain America: Civil War”, Spider-Man đã trở lại với cuộc phiêu lưu mới trong “Spider-Man: Homecoming”, bộ phim solo đầu tiên của cậu trong Vũ Trụ Điện Ảnh Marvel (MCU). Nhẹ nhàng, hài hước, gần gũi và dễ thương, bộ phim đã tái hiện gần như hoàn hảo những giá trị cốt lõi của Spider-Man và cho khán giả thấy rằng tại sao nhân vật này lại luôn được công chúng yêu mến trong suốt 55 năm qua.

Sau thất bại phòng vé của The Amazing Spider-Man 2 (2014), hãng Sony đã vô cùng trầy trật trong việc gây dựng thương hiệu Spider-Man, vốn ít nhiều đã bị sứt mẻ trong mắt khán giả. Do đó, để tìm hướng ra cho Spider-Man, Sony và Marvel Studios đã tạo nên một thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm đưa "siêu anh hùng vĩ đại nhất Marvel” trở về với MCU sau bao năm xa cách.

Mặc dù đây đã là lần thứ ba khán giả được thấy Spider-Man trên màn ảnh nhưng với màn hóa thân xuất sắc của Tom Holland trong Captain America: Civil War (2016), các fan đã có thể thở phào nhẹ nhõm rằng đây chính là phiên bản Spider-Man mà họ đã mong chờ từ bấy lâu.

Spider-Man sát với comic nhất

Lấy bối cảnh 2 tháng sau những sự kiện xảy ra trong Civil War, Peter Parker trở về với cuộc sống thường ngày tại New York. Vừa là học sinh vừa là siêu anh hùng, cậu phải tìm cách cân bằng giữa cuộc sống thường ngày với trọng trách làm Spider-Man. Tuy nhiên khi kẻ phản diện mới tên Vulture (Michael Keaton) xuất hiện, sự bình yên của cả thành phố New York sẽ phụ thuộc vào Spider-Man. Nhưng cậu sẽ không phải đối đầu với mối hiểm họa này một mình mà sẽ nhận được sự giúp đỡ tận tình từ “ông chú” Tony Stark (Robert Downey Jr.).

Nếu trong 2 phiên bản Spider-Man trước đây của Sam Raimi và Marc Webb, yếu tố học đường chỉ đóng vai trò rất nhỏ thì Spider-Man: Homecoming của đạo diễn Jon Watts lại biến điều này trở thành trọng tâm của bộ phim. Bộ phim hoàn toàn xoay quanh những rắc rối hết sức đời thường của một bé 15 tuổi như chuyện học hành, gia đình, bạn bè và tình cảm yêu đương tuổi teen. Dưới bàn tay của đạo diễn Jon Watts, Spider-Man: Homecoming trở thành một bộ phim siêu anh hùng gắn mác học đường. Hai yếu tổ tưởng chừng hoàn toàn khác biệt nhưng khi lên phim lại đan xen một cách tuyệt vời tạo nên một bộ phim cực kì vui nhộn, hào hứng và nhiều trường đoạn gây xúc động mạnh cho khán giả.

“Spider-Man: Homecoming”: Bổ sung xứng đáng dành cho Vũ trụ Điện Ảnh Mavel

Điều này đã khiến Spider-Man: Homecoming khác hẳn với phần còn lại của MCU. Bộ phim cho khán giả thấy cuộc sống diễn ra như thế nào dưới cái bóng của đội Avengers. Nếu Tony Stark tự công bố mình là Iron Man, Steve Rogers được lịch sử ghi nhận là Captain America, Thor là một vị thần Asgard thì bên dưới bộ áo Spider-Man xanh đỏ, Peter Parker cũng chỉ là một cậu bé hết sức bình thường. Khán giả có thể dễ dàng đồng cảm với Peter Parker trước những tình huống xảy ra trong phim, bởi ai cũng từng có một thời học sinh nông nổi, bồng bột và đầy kỉ niệm. Câu chuyện của bộ phim vì thế trở nên khá đơn giản, quen thuộc và cũng rất dễ gần. Chính sự thân thuộc đã tạo nên sức hút cho thương hiệu Spider-Man trong suốt 55 năm qua trong comic, và giờ đây Spider-Man đã trở về đúng tuổi của mình. 

Nếu màn chào sân trong Civil War vẫn chưa đủ thuyết phục thì Tom Holland đã tạo nên một chuẩn mực mới dành cho Người Nhện trong Spider-Man: Homecoming. Nam diễn viên trẻ tuổi người Anh đã mang đến sự trẻ trung, ngây thơ và nghịch ngợm của nhân vật Peter Parker/Spider-Man, điều mà 2 bậc tiền bối Tobey Maguire và Andrew Garfield chưa thể làm được trong cả 5 phần phim trước. Dù có phải đứng trước 2 diễn viên kì cựu là Robert Downey Jr. (Tony Stark/Iron man) và Micheal Keaton (Arian Toomes/Vulture), Tom Holland vẫn không hề tỏ ra lép vế mà còn tự tin chứng tỏ đây là bộ phim dành riêng cho cậu.

“Spider-Man: Homecoming”: Bổ sung xứng đáng dành cho Vũ trụ Điện Ảnh Mavel 2

Peter khao khát trở thành một Avenger, được đảm đương chuyện đại sự hơn là giải quyết những vấn đề vặt vãnh. Nhưng khi Vulture xuất hiện, Peter nhận ra điều bản thân hằng mong muốn có thể khiến cậu đánh mất tất cả. Peter phạm rất nhiều sai lầm nhưng cậu luôn cố gắng sửa sai và Tom Holland đã thể hiện rất tốt thông điệp về sự trưởng thành thông qua nhân vật Peter Parker. 

Điểm đặc sắc của phim là vai phản diện của Michael Keaton. Trước giờ, các bộ phim MCU hầu hết đều tồn đọng điểm yếu ở kẻ phản diện quá hời hợt và chỉ làm nền cho các nhân vật anh hùng. Nhưng Michael Keaton đã thổi một luồn gió mới cho vai Vulture. Tương tự như Peter Parker, Adrian Toomes có xuất phát điểm là một người lao động hết sức bình thường, làm việc vì miếng cơm manh áo của gia đình. Ông xem Tony Stark là những kẻ cậy quyền cậy thế, chèn ép những người dân thấp cổ bé họng như ông. Chính điều này đã khiến động cơ khiến Adrian Toomes trở thành kẻ xấu trở nên dễ cảm thông hơn. Tuy nhiên, do không được dành nhiều thời gian để phát triển nên nhiều lúc hành động của nhân vật này trở nên khá kiên cưỡng, và hơi thiếu thuyết phục.

“Spider-Man: Homecoming”: Bổ sung xứng đáng dành cho Vũ trụ Điện Ảnh Mavel 3

Thiếu những màn hành động gây hưng phấn

Không như những bộ phim gần đây, Spider-Man: Homecoming đã không chăm chăm tạo tiền đề cho những bộ phim tương lai. Dù được xây dựng đựa trên nền tảng của những bộ phim trước nhưng Spider-Man: Homecoming lại có cốt truyện khá độc lập với phần còn lại của MCU. Đạo diễn Jon Watts đã có quyết định sáng suốt khi xây dựng bộ phim chỉ xoay quanh Peter Parker.

Những pha hành động trong phim tuy vẫn thú vị nhưng vẫn còn thiếu chút gì đó hào hứng của Civil War và căng thẳng của Spider-Man 2 (đạo diễn Sam Raimi). Fan của những pha hành động kịch tính sẽ phần nào thất vọng với Homecoming nhưng điều này cũng có thể chấp nhận được do đây mới chỉ là màn khởi động của Spider-Man trong MCU.

“Spider-Man: Homecoming”: Bổ sung xứng đáng dành cho Vũ trụ Điện Ảnh Mavel 4

Vào thời buổi có quá nhiều phim siêu anh hùng tăm tối, căng thẳng và nặng nề, lúc nào cũng phải đối mặt với những hiểm họa đe dọa cả hành tinh thì một chút nhẹ nhàng, ngây thơ của Spider-Man lại vô cùng cần thiết. Peter Parker không chỉ là cậu bé bình thường tình cờ sở hữu sức mạnh siêu nhiên mà cậu còn đại diện cho những ai đã từng mộng mơ bay nhảy giữa những tòa nhà chọc trời. Nên với Spider-Man: Homecoming, hình ảnh Spider-Man chưa bao giờ lại gần gũi và thân quen đến như thế. Dù phải còn rất lâu danh tiếng của Spider-Man mới có thể khôi phục, nhưng với màn ra mắt trong Captain America: Civil War và bộ phim mới nhất này, các fan có thể yên tâm rằng Spider-Man xứng đáng có một chỗ trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

Dù đến năm 2016, Spider-Man mới chính thức góp mặt trong Captain America: Civil War nhưng trước đó, đã có rất nhiều nhân vật từ bộ truyện Spider-Man xuất hiện trong MCU. Lần lượt là:
- Wilson Fisk (Vincent D'Onofrio thủ vai) trong series Daredevil (2015) (Fisk vừa là kẻ phản diện của Spider-Man lẫn Daredevil).
- Ben Urich (Vondie Curtis-Hall thủ vai) trong Daredevil (2015) (Theo nguyên tác, Ben Urich là phóng viên của tờ Daily Bugle. Tuy nhiên, trong MCU ông lại là phóng viên của tờ New York Bulletin)
- Christine Everhart (Leslie Bibb thủ vai) trong Iron Man (2008), Iron Man 2 (2010), và Captain America: Civil War (2016).

 

Theo Muzuco

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang