“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ!

Làm lại từ tác phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc, “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt tuân thủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe về mặt sản xuất nhưng chưa đủ tạo nên cảm xúc cho khán giả.

200 Pounds Beauty (Sắc đẹp ngàn cân) là tác phẩm đình đám của điện ảnh Hàn Quốc ra mắt cách đây hơn một thập kỷ. Năm nay, phim về đề tài phẫu thuật thẩm mỹ này đã có phiên bản Việt do nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh mua bản quyền và James Ngô, vốn là một DOP chắc nghề, đứng tên ở vị trí đạo diễn.

Về tổng thể thì phim hầu như không có gì thay đổi so với bộ phim Hàn Quốc từ tình tiết câu chuyện đến cách bố trí góc máy. Cơ bản, đây là một sản phẩm chỉn chu về mặt hình thức khi có những phân đoạn cho thấy sự đầu tư cao về dàn dựng bối cảnh và hóa trang đặc biệt.

“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ!
Hà My trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong vai cô nàng có chất giọng tuyệt hay nhưng quá cân Hà My, Minh Hằng đã phải khoác lên mình bộ trang phục đặc biệt để tăng kích thước cơ thể. Có điều bộ trang phục silicon này có phần khuôn mặt chưa được xử lý tốt khiến cả đoạn đầu phim, Minh Hằng thực sự khó khăn khi cử động khuôn miệng làm cho nhân vật của cô nhìn đã biết do hóa trang mà thành.

Ở phiên bản Hàn Quốc, phần hình ảnh này còn phải trải qua chỉnh sửa hậu kỳ mới tạo nên hiệu ứng hoàn hảo, bỏ mất đi khâu này thấy gương mặt Hà My đầu phim thật ám ảnh theo kiểu ma búp bê Annabelle phiên bản mũm mĩm.

Sang đến giai đoạn sau giải phẫu, nhân vật Ly Ly của Minh Hằng đã đáp ứng được hoàn toàn phần nhìn khi da và dáng đều đẹp, cùng cách diễn xuất khi tỏ ra lộng lẫy tự tin lúc đầy yếu đuối cho người xem một cảm giác tin cậy. Nhưng đó là những đoạn diễn không tương tác với nam nhân vật chính! Điều đáng tiếc lớn nhất trong chỉ đạo diễn xuất là kết nối cảm xúc của nam chính và nữ chính không hề thuyết phục.

“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 2
Rocker Nguyễn và Minh Hằng trong một cảnh phim.

Đẹp hoàn hảo ở những góc quay tĩnh và có thần thái của một ngôi sao hơn là quản lý, nhân vật do Rocker Nguyễn thể hiện có sức hút về ngoại hình nhưng lại trẻ trung hơn cả hai vai diễn của đàn chị Minh Hằng và Phương Trinh Jolie. Việc lạm dụng thường xuyên biểu cảm nhếch mép và kiểu nhả thoại từ từ đến mức tưng tửng khiến nhân vật của anh thể hiện nhiều cá tính cá nhân hơn là hóa thân vào vai diễn.

Phương Trinh Jolie diễn xuất tốt trong vai nữ ca sỹ xuất thân vũ công, có sắc mà không có thanh. Thế nhưng nhân vật của cô không có số phận được giải quyết trọn vẹn, dẫn đến nỗ lực cau mày, chớp mắt, mặc đẹp suốt diễn biến phim không mấy người nhớ tới.

So với các diễn viên trẻ đẹp ở tuyến chính, các diễn viên phụ thể hiện tốt hơn hẳn. Diễn xuất của Âu Bảo Ngân trong vai cô ca sỹ hát lót, cũng là người bạn thân của nữ chính tự nhiên và đáng yêu, trừ màn hát cuối cùng lấn át nhân vật chính lộ liễu. Vai diễn người cha của nghệ sỹ Việt Anh không khác nhiều so với bản gốc nhưng gương mặt và giọng nói gần gũi gây nhiều thiện cảm hẳn. Cặp cha con người chủ công ty quản lý do Kiến An và La Thành cũng có nhiều màn tung hứng hài hước.

“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 3
Âm nhạc trong phim chưa thoả mãn người xem.

Tuy nhiên, bộ phim vẫn trôi đi mà ít có những đoạn thực sự xúc động, khiến khán giả phải “gai người” như cách mà Em là bà nội của anh làm được, dù cùng là phim remake. Ngoài kịch bản không có nhiều cơ hội để đưa các yếu tố văn hóa Việt vào hay phần thoại chỉ đôi chút phá cách trong tiết chế kiểu “bớt thoại cho bớt thẹo”, sự trôi tuột của Sắc đẹp ngàn cân  bản Việt Nam còn do nhịp phim và kết nối bằng âm nhạc, những phần xuất sắc của phiên bản Hàn Quốc không được phát huy. Các bài hát đều có ít cao trào, có thể để phù hợp với quãng giọng hạn chế của Minh Hằng nhưng ngay cả ca khúc do Hòa Minzy thể hiện, phần nhạc cũng không đã tai. Người hâm mộ bản gốc sẽ tiếc nuối khi bài hát Ave Maria vốn tràn đầy cảm hứng không xuất hiện trong phim.

Dấu ấn cá nhân đạo diễn cũng khá mờ nhạt. Ngoài màu phim đẹp, các cảnh dàn dựng theo đúng trật tự và mảng miếng của phiên bản gốc nhưng phần chỉ đạo diễn xuất và giữ nhịp dựng phim khuôn mẫu thiếu tinh tế. Có vẻ như để tránh những đoạn diễn xuất không trọn màn của diễn viên, phần dựng cuối phim cắt chặt và nhanh hơn, là cách mà cố vấn dựng phim Hàm Trần đã sử dụng nhiều trong các tác phẩm trước đó là Siêu trộm hay Bạn gái tôi là sếp. Nhịp dựng này mang lại sự gọn ghẽ, chặt chẽ cho phim nhưng lại khiến nhiều phân đoạn trở nên chưng hửng và mang đến một cảnh kết đầy sắp đặt của những giọt nước mắt tiếc nuối.

Không thể phủ nhận nỗ lực đầu tư của công ty TNA cho một dự án đòi hỏi kinh phí lớn và việc phải tuân theo nhiều tiêu chuẩn khắt khe về mặt sản xuất của Sắc đẹp ngàn cân Việt Nam. Điều này thể hiện tham vọng tiếp cận thị trường giải trí theo hướng chuyên nghiệp hóa của ê-kíp sản xuất. Nếu xem bộ phim giống như một công cuộc đại phẫu của một cô gái để theo đuổi sắc đẹp hoàn hảo thì kết quả là đã vượt qua mức an toàn để cô gái ấy không phải chịu hậu quả. Nhưng đáng tiếc nó không đủ để chính cô ấy tin vào nhan sắc của mình sau một hành trình đau đớn và mệt nhọc.


Một số hình ảnh trong phim

“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 4“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 5“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 6“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 7“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 8“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 9“Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt: Có đầu tư nhưng chưa đủ! 10

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang