Gears of War 4 Horde Mode - Dễ nghiện dễ điên

Với Gears of War 4, phần chơi multiplayer “hợp sức chiến đấu sinh tồn” Horde Mode bước vào phiên bản thứ 3. Phiên bản này thêm vào tính năng xây dựng lớp nhân vật, kẻ thù giờ đây “xương xẩu” hơn và sự đa dạng về lựa chọn nhân vật mà người chơi điều khiển.

Với 50 vòng chơi liên tục và bốn độ khó, liệu Horde 3.0 có mang lại “món ngon vật lạ” hay chỉ là cái bóng của phần chơi campaign đỉnh cao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu điều này.

“HORDE MODE” LÀ GÌ?

Trong ba chế độ chơi của Gears of War 4, Horde Mode khó có thể định nghĩa rõ ràng nhất. Đơn cử như phần chơi campaign có thể chơi co-op với bạn bè, nhưng có cốt truyện tuyến tính với các chapter và chuyển cảnh. Còn Horde Mode thì bỏ đi phần nội dung cốt truyện và bạn không có gì khác để làm ngoài chạy, bắn và đấu… cưa. Nói một cách đơn giản, nếu bạn không thích chơi theo cốt truyện, chỉ muốn diệt quái số lượng thật lớn với bạn bè, đây là phần chơi dành cho bạn.

Trong phiên bản Horde 3.0, bạn và bốn người bạn khác (hoặc đồng đội thông qua hệ thống matchmaking) sẽ bảo vệ Fabricator. Đây là thiết bị giống như máy mua đồ tự động. Bạn bỏ “tiền” vào rồi chọn món mà mình muốn, từ xây hàng rào cho tới các ụ súng và nơi để cất vũ khí. “Tiền” trong phần chơi này được gọi là Power, chúng rơi ra khi bạn tiêu diệt kẻ thù. Nghe có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng đừng vội lầm, vượt qua 50 vòng chơi Horde Mode vô cùng gian nan hơn bạn tưởng.

Gears of War 4 Horde Mode

Cuộc chiến trong Horde Mode vô cùng khốc liệt

Đầu mỗi cuộc chiến, người chơi sẽ chọn một trong số năm lớp nhân vật gồm soldier, sniper, engineer, heavy và scout. Mỗi lớp nhân vật đều có kỹ năng riêng. Ví dụ sniper tập trung vào các kỹ năng bắn tỉa như tăng sát thương khi headshot và nổ lan gây sát thương đến những con quái khác, hay engineer có các kỹ năng tăng “máu” và giảm tiền khi mua các thứ bằng Power. Người chơi cũng có thể kiếm một số thẻ kỹ năng cho lớp nhân vật thông qua các gói vật phẩm mua bằng tiền kiếm được trong các phần chơi campaign, multiplayer và horde.

Đặc biệt, các thẻ kỹ năng và lớp nhân vật đều có thể thăng cấp độ. Bạn có thể ghép nhiều thẻ cùng một loại kỹ năng để thăng cấp cho nó, từ đó làm tăng khả năng của chúng. Tương tự, khi bạn chơi càng nhiều một lớp nhân vật, bạn sẽ thăng cấp cho class đó, phần thưởng là cho phép người chơi gắn nhiều kỹ năng hơn trong mỗi trận chiến.

Nhưng không chỉ có thế, trò chơi sử dụng hệ thống điều chỉnh độ khó của trận horde dựa trên tiến trình phát triển của người chơi. Thay vì chọn trước một thiết lập kỹ năng, trò chơi sẽ khiến trận đấu khó nhằn hơn khi nhân vật và thẻ kỹ năng có cấp cao hơn.

Vào sinh
Với một game tập trung chủ yếu vào lối chơi co-op, không có gì lạ khi Horde Mode yêu cầu người chơi phải hợp đồng tác chiến cùng nhau để giành chiến thắng. Trong một trận chiến, nhất thiết phải có scout để tăng lượng Power nhận được, và engineer để sửa chữa đồ các thứ. Ba lớp nhân vật soldier, heavy và sniper còn lại sẽ mang trọng trách chiến đấu chính và “chạy việc” hồi sinh các đồng đội bị hạ gục hoặc thiệt mạng.

Gears of War 4 Horde Mode

Một màn chơi trong Horde Mode

Đến đây bạn đã thấy phần chơi này bớt đơn giản chút nào chưa? Chưa hết đâu, vì trong suốt quá trình chơi với đồng đội, mọi người sẽ bắt đầu theo nhịp độ riêng, tìm các khu vực để núp và canh thời điểm để triệt hạ kẻ thù. Nhưng khi cả nhóm tìm được nhịp riêng phù hợp, trò chơi sẽ bắt đầu tìm những cách khác nhau để thử thách người chơi. Kẻ thù sẽ bắt đầu xuất hiện ở những khu vực khó ngờ với những thiết lập đội hình thay đổi để đè bẹp toàn bộ người chơi.

Ra tử
Có thể nói, hệ thống lớp nhân vật mới trong Horde 3.0 đã làm thay đổi lối chơi mang tính lặp lại của phần chơi này trong Gears of War 2 và 3. Với vai trò là engineer của nhóm, người chơi có rất nhiều thời gian để quyết định xây công trình nào, ở đâu, lập chiến thuật để đối phó với những con trùm khổng lồ và tuyến phòng thủ được thông suốt. Ở vòng tiếp theo dưới vai trò sniper, chiến thuật lại hoàn toàn khác. Người bắn tỉa phải đứng phía sau các đồng đội còn lại để bắn hỗ trợ những kẻ thù chính, ngăn chặn kẻ thù đột kích vào khu vực phòng thủ và hồi sinh đồng đội bị hạ gục hoặc tiêu diệt.

Nói là thế nhưng hệ thống thẻ kỹ năng có thể khiến nhiều người chơi cảm thấy gò bó. Bởi lẽ, người chơi bị buộc phải chọn một lớp nhân vật phù hợp với kiểu chơi của mình và sử dụng gần như độc quyền. Bạn sẽ phải có một scout luôn cầm shotgun chạy quanh để nhặt Power, và một người khác làm engineer phải ở lại lo hậu cần và sửa chữa các thứ.

Phần chơi Horde không hề dễ, ngay cả ở độ khó thấp nhất. Trong suốt 50 vòng chiến đấu, mỗi vòng hàng chục (10, 20, 30, 40 và 50) lại là trận đánh boss long trời lở đất. Vẫn là những con boss trong phần chơi campaign quen thuộc nhưng lại là ác mộng trong Horde Mode. Chúng dễ dàng băm nát những thứ bạn xây dựng cho tuyến phòng thủ và đè bẹp nhân vật của người chơi. Tuy nhiên, cảm giác khi hoàn thành 50 vòng chơi Horde hết sức thỏa mãn, nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải có đồng đội tốt và tính kiên trì. Đây không phải phần chơi mang tính phô diễn cá nhân. Bạn sẽ không thể một mình chơi hết 50 vòng Horde. Chưa kể, khi tinh thần của mọi người bị đè bẹp hoặc một người chơi trở lên bỏ ngang, cũng có thể khiến cuộc chiến đi vào bế tắc và tan rã.

Gears of War 4 Horde Mode

Đấu trùm – cơn ác mộng trong Horde Mode

Horde 3.0 là sự thay đổi khẩu vị và nhịp chơi từ phần chơi PvP multiplayer online. Thế nhưng, đây lại là phần chơi dễ khiến người chơi nản lòng hoặc nổi điên. Vì như chúng ta vẫn thường nói: không sợ kẻ địch mạnh như hổ, chỉ sợ đồng đội ngu như bò. Và còn đáng điên hơn khi đang chiến đấu nửa đường thì đồng đội bỏ chạy mất dép. Để rộng đường dư luận, xin trích dẫn sự ức chế từ đồng đội của tôi về phần chơi này:

Chơi Gear of War 4 phần chơi Horde thì sợ nhất là team-up với các chú newbie (thế giới nói chung không phải Việt Nam), đơn giản là các chú chơi gà, mình phải làm baby sister (cứu các chú ấy khi bị chết) và không ai chịu chơi class builder (engineer) mà chỉ thích chọn soldier, sniper, scout hay heavy. Nói chung class builder là class yếu về khả năng tấn công (máu không trâu, súng không ngon, skill không bựa) nhưng khi build được nhà hoành tráng thì là class quyết định vận mệnh của cả team. Thường thì chơi với chúng nó 50 wave lần 1 và lần 2, hướng dẫn chúng nó đặt bom đạn để giết địch cho dễ, nâng skill thế nào cho ngon ăn và ở nhà bắn support cho chúng nó lên xúc quái thì chúng nó bỏ mình đi solo hết, nhiều khi đang wave 46 – 47 rồi, gần lấy được thành tích rồi thì chúng nó đổi sang họ Hàn Quốc – Hip Song Dzong.

Nguồn: Motgame

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang