CKTG 2016: 5 tuyển thủ gây thất vọng nhất trong giai đoạn lượt đi

Thay vì được nhớ đến bởi những màn trình diễn xuất sắc, những tuyển thủ này lại đang bị người hâm mộ cười chê do phong độ thảm hại của họ ở CKTG năm nay

SPY Wunder

wunder-1

Được coi là người đi đường trên hay nhất ở châu Âu ở thời điểm hiện tại, thế nhưng màn trình diễn của Wunder ở giai đoạn lượt đi CKTG lại là cực kì đáng thất vọng.

Trong trận đấu đầu tiên với Samsung Galaxy, tưởng như anh sẽ tạo nên sự khác biệt với con bài Kled, thế nhưng diễn biến trận đấu lại diễn ra hoàn toàn ngược lại. Bị CuVee đè đường, anh hầu như không có tác dụng gì trong suốt trận. Những pha Dịch Chuyển hoặc sử dụng chiêu cuối của anh cũng vô cùng lạc lõng khi không có bất kì người đồng đội nào của anh có thể theo kịp.

Ở 2 trận đấu tiếp theo với RNG và TSM, Wunder vẫn tiếp tục thi đấu bạc nhược dù được sử dụng những con bài tủ như Gnar hay Kennen. Thường xuyên dịch chuyển một cách “ngáo ngơ”, anh luôn lao vào giữa lòng địch mặc cho đồng đội còn ở rất xa. Nhiều người hâm mộ còn đùa rằng nội tại của Wunder là “Tặng không cho đối phương từ 300 – 450 vàng mỗi khi xuất hiện”.

Nếu Wunder cứ tiếp tục thi đấu như hiện tại, Splyce sẽ còn có những kết quả thảm hại hơn nữa!

C9 Meteos

c9_meteos

Cơn ác mộng của người hâm mộ C9 trong những trận đấu đã qua của đội tuyển này chính là vị tướng Lee Sin trong tay “thánh” Meteos. Mỗi khi sử dụng “Thầy Tu Mù”, có vẻ như Meteos cũng “mù” luôn. Anh hầu như không quan tâm tới diễn biến các đường ở giai đoạn đầu game mà chỉ tập trung đi dọn quái. Nếu so với sự hổ báo cũng như đẹp mắt mà Lee Sin trong tay Svenskeren hay Revolta đã thể hiện, thì Lee Sin của Meteos khác… một trời một vực.

Dù trong trận đấu với Flash Wolves, anh đã có một pha InSec khá đẹp trúng Maple để kết thúc trận đấu, tuy nhiên đó lại là một chiến thắng cực kì nhọc nhằn trong hơn 70 phút đồng hồ. Nếu gặp những đối thủ mạnh hơn, chắc chắn Meteos sẽ không thể diễn lại những pha “cù nhây” như vậy.

Ở trận đấu thứ 3 với IMay, dù đã tiến bộ hơn khi không dùng Lee Sin nữa mà chuyển sang Olaf, thế nhưng Meteos vẫn có những quyết định vô cùng khó hiểu. Nếu không nhờ đến sự xuất sắc của Impact và Smoothie, rất có thể Cloud9 sẽ có nhiều hơn là 1 trận thua trong giai đoạn lượt đi này.

Sang đến tuần thi đấu tiếp theo, hi vọng Meteos sẽ không chọn Lee Sin một lần nào nữa, vì lợi ích của C9 nói riêng và của người hâm mộ nói chung.

G2 PerkZ

perkz-1

“Thánh nổ châu Âu” đang chứng minh cho người hâm mộ thấy tài “chém gió” của mình vẫn chưa hề suy giảm. Bất kể là cầm tướng gánh team như Syndra hay tướng đa dụng như Karma, Orianna, PerkZ đều tỏ ra… vô dụng như nhau.

3 thất bại của G2 vừa qua có “công” rất lớn của PerkZ. Trong số tất cả những tuyển thủ đường giữa tại CKTG năm nay, PerkZ đang có KDA thấp nhất (6/13/8), tỉ lệ chết nhiều nhất (30,8% tổng số mạng chết của cả đội) cũng như lượng sát thương gây ra vô cùng khiêm tốn (467 sát thương/phút).

Nếu để ý kĩ những trận đã qua của G2, chúng ta có thể thấy PerkZ mắc rất nhiều lỗi sơ đẳng: “Quét Tan Kẻ Yếu” không choáng được ai, xoáy “Sóng Âm” không trúng ai… Liệu anh đang quá chủ quan hay chỉ đơn giản đây là thực lực thật sự của PerkZ?

TSM Doublelift

tsm-doublelift-worlds-2016

Xạ thủ được coi là hay nhất ở Bắc Mỹ đang bị người hâm mộ chê cười là “không biết sử dụng phép bổ trợ.”

Mọi thứ xuất phát trong trận đấu giữa TSM và RNG, khi Mata liên tục bắt chết được Doublelift với những pha combo “Bò Húc – Nghiền Nát”. Thế nhưng, thay vì tốc biến né đi như cái cách mà hầu hết những xạ thủ khác sẽ phản ứng, Doublelift lại thường xuyên giữ khư khư phép bổ trợ và “nằm im hưởng thụ”. Kết quả là một vị tướng thiếu cơ động như Jhin đã không chịu nổi những lần chồng khống chế liên tục của RNG, góp phần vào thất bại đầu tay của đại diện Bắc Mỹ.

Chưa hết, anh còn có lối đánh rất lạ khi không chịu lên Khăn Giải Thuật mặc cho đội hình đối phương có nhiều khống chế đến đâu đi chăng nữa. Trong cả 3 trận đã đấu, anh đều đánh Jhin và lên toàn trang bị sát thương, một lối lên đồ rất “bất cần đời”.

SPY Mikyx

mikyx-1

Là một tài năng mới nổi của châu Âu, Mikyx được kì vọng sẽ trở thành hỗ trợ xuất sắc nhất thế giới. Thế nhưng, đấu trường chuyên nghiệp lại quá khác biệt so với xếp hạng đơn, và Mikyx đã phần nào thể hiện sự choáng ngợp của mình tại sân chơi lớn nhất thế giới.

Thay vì sử dụng vị tướng tủ là Bard, Mikyx lại liên tục chọn những tướng hỗ trợ mang thiên hướng bảo kê và ít đột biến như Tahm Kench, Karma hay Nami. Đáng tiếc, anh cùng người đánh cặp với mình là xạ thủ Kobbe thường xuyên bị đè đường bởi những cặp đôi mạnh hơn hẳn.

Điểm mạnh của Mikyx là khả năng đảo đường đi gank cũng không được phát huy trong những trận đấu đã qua. Một phần nguyên nhân cũng là do người đi rừng Trashy của Splyce hoàn toàn bị áp đảo và không thể di chuyển cùng Mikyx được. Sức ép của CKTG đang ngày càng bóp nghẹt chàng tân binh trẻ tuổi.

Theo lienminh360

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang