Intel đối mặt với 3 vụ kiện tập thể vì lỗ hổng bảo mật, Amazon và Microsoft cũng có thể đòi bồi thường

Intel đang phải đối mặt với tổn thất nặng nề vì các lỗ hổng bảo mật Meltdown và Spectre.

Các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong các chip xử lý Intel đã được phát hiện trong tuần qua, có tên gọi là Meltdown và Spectre. Lổ hổng bảo mật này nằm trong hạt nhân kernel của các bộ vi xử lý, ảnh hưởng tới tất cả các thiết bị Windows, Linux và macOS. Để có thể vá lỗ hổng bảo mật này, các bản vá có thể sẽ làm giảm hiệu suất của thiết bị 5-30%.

Sự việc này đã khiến Intel phải đối mặt với 3 vụ kiện tập thể. Những người khởi kiện tại California, Oregon và Indiana đòi Intel phải bồi thường vì những tổn thất đã gây ra. Cáo buộc liên quan đến việc Intel để xảy ra lỗi trong thiết kế của các chip xử lý từ năm 1995 đến nay và việc chậm trễ trong thông báo lỗ hổng bảo mật này, khi Intel đã được Google thông báo về lỗ hổng từ tháng 6.

 

Intel đối mặt với 3 vụ kiện tập thể vì lỗ hổng bảo mật, Amazon và Microsoft cũng có thể đòi bồi thường

Các cáo buộc cũng liên quan đến tổn thất làm giảm hiệu năng của thiết bị, khi cập nhật các bản vá lỗ hổng bảo mật Meltdown và Spectre. Tuy nhiên trước đó Intel cũng khẳng định rằng:“Trái ngược với các báo cáo, hiệu suất của thiết bị sụt giảm tùy thuộc vào từng tác vụ và khối lượng công việc xử lý. Đối với những người dùng phổ thông, sự sụt giảm hiệu năng là không đáng kể và sẽ ngày càng được cải thiện theo thời gian”.

Luật sư Bill Doyle đại diện cho một trong 3 nhóm khởi kiện Intel cho biết: “Lỗ hổng bảo mật được phát hiện trong báo cáo mới đây cho thấy đây là một trong những lỗi nghiêm trọng về bảo mật và thiết kế chip xử lý. Điều bắt buộc là Intel cần phải hành động nhanh chóng để khắc phục vấn đề và đảm bảo người sử dụng được đền bù xứng đáng với những thiệt hại mà họ phải hứng chịu”.

Những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ lỗ hổng bảo mật Meltdown và Spectre của Intel, chính là các công ty công nghệ lớn. Amazon, Google và Microsoft cũng có thể sẽ bắt Intel phải bồi thường cho những thiệt hại của mình. Các dịch vụ lưu trữ đám mây của các công ty này bị ảnh hưởng rất lớn khi phải cập nhật bản vá lỗi, và hiệu suất của các hệ thống máy tính lớn này bị sụt giảm.

Kim Forrest, nhà phân tích nghiên cứu thị trường của Fort Pitt Capital Group cho biết: “Các công ty điện toán đám mây đều đang sử dụng chip Intel. Sự việc này có thể khiến họ ép Intel giảm giá bán chip xử lý để có thể tiếp tục hợp tác trong tương lai”.

Trung tâm Chia sẻ và Phân tích Thông tin Tài chính (FS-ISAC) báo cáo, các công ty tài chính và các ngân hàng cũng đang đánh giá các tổn thất. Sự sụt giảm hiệu năng của các hệ thống máy tính xử lý dẫn tới việc đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn để bù đắp và đảm bảo được hiệu suất cơ bản, do đó chi phí sẽ tăng cao.

Hiện tại vẫn chưa rõ Intel bị đòi bồi thường bao nhiêu trong 3 vụ kiện tập thể trên. Tuy nhiên nếu các công ty công nghệ, các doanh nghiệp và tổ chức tài chính cũng đòi Intel phải bồi thường, tổn thất của nhà sản xuất chip xử lý này sẽ là rất lớn.

Theo Tri Thức Trẻ

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang