Hàn Quốc chia rẽ sâu sắc vì dự định cấm giao dịch tiền ảo

“Cứ đánh thuế nhiều như các ông muốn, nhưng đừng cấm. Cuộc đời tôi phụ thuộc cả vào tiền ảo”...

Với một tỷ lệ lớn dân số là những người sành công nghệ, nhanh chóng cập nhật những thiết bị mới nhất và một thế hệ trẻ đang đối mặt triển vọng đi xuống trên thị trường việc làm truyền thống, Hàn Quốc đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các đồng tiền ảo.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, việc người dân nước này đón nhận rộng rãi Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đã vấp phải phản ứng mạnh không kém từ phía các cơ quan chức năng. Chính phủ Hàn Quốc thậm chí đã tiến xa đến nỗi soạn thảo một dự luật cấm hoàn toàn hoạt động giao dịch tiền ảo.

Vết rạn lớn

Trong lúc thị trường tiền ảo toàn cầu nghe ngóng các diễn biến từ Hàn Quốc, nước này đã lộ ra một vết rạn lớn giữa một bên là thế hệ trẻ xem tiền ảo nhưng một chìa khóa mở ra cánh cửa một cuộc sống tốt đẹp hơn, và bên kia là các quan chức chính phủ xem tiền ảo như đánh bạc và cảnh báo rằng tiền ảo sẽ khuyến khích những hành động phi pháp.

Hôm thứ Năm tuần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc Park Sang-ki đã đẩy giá Bitcoin và các đồng tiền ảo khác lao dốc chóng mặt khi nói rằng Seoul đang chuẩn bị một dự luật cấm giao dịch tiền ảo.

Đến ngày thứ Sáu, một lá đơn gửi đến website của Nhà Xanh, phủ Tổng thống Hàn Quốc, đã thu thập được hơn 120.000 chữ ký phản đối kế hoạch trên. Lượng truy cập lớn đến nỗi có lúc trang web này tê liệt.

"Cuộc nổi dậy" trên mạng Internet nhằm phản đối kế hoạch cấm giao dịch tiền ảo của Chính phủ Hàn Quốc đang đặt Tổng thống Moon Jae-in vào thế khó. Văn phòng của ông ngay lập tức nói rằng việc cấm giao dịch tiền ảo mới chỉ là một đề xuất đang được xem xét.

"Ý tưởng mới nhất về ‘cấm tiệt’ tiền ảo có vẻ như xuất phát từ nỗi lo rằng khi bong bóng nổ và mọi thứ xấu đi, Chính phủ sẽ bị đổ lỗi", giáo sư kinh tế Yun Chang-hyun thuộc Đại học Seoul nhận xét.

Với tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ cao gấp ba lần mức trung bình toàn quốc và khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng, nhiều người trẻ Hàn Quốc đang lo lắng về tương lai của họ.

"Cứ đánh thuế nhiều như các ông muốn, nhưng đừng cấm. Cuộc đời tôi phụ thuộc cả vào tiền ảo", một người ký vào đơn đề nghị không cấm giao dịch tiền ảo trên website của Nhà Xanh viết.

Lee Min-kyung, 25 tuổi, đang học thạc sỹ ở Seoul, cho biết đã kiếm được gần 17.000 USD nhờ đầu tư vào Bitcoin. Mức lãi này lớn gấp đôi số vốn ban đầu cô bỏ ra. Lee nói Chính phủ Hàn Quốc đang phản ứng tiêu cực chẳng qua vì họ "chẳng có ý tưởng nào khác".

"Họ nói mục đích của việc cấm giao dịch tiền ảo là chặn đầu cơ, nhưng điều đó khiến tôi cho rằng Chính phủ chẳng hiểu thị trường là gì", Lee nói.

Hàn Quốc chia rẽ sâu sắc vì dự định cấm giao dịch tiền ảo

Cách kiếm tiền nhanh nhất

Trong số 941 nhân viên văn phòng được khảo sát vào tháng 12 năm ngoái bởi Saramin, một trang web việc làm ở Hàn Quốc, cho biết họ chơi tiền ảo. Những người trả lời này cho biết họ có số vốn trung bình gần 5.400 USD đầu tư vào tiền ảo, phần lớn trong số họ nói bắt đầu chơi tiền ảo vì thấy đây là cách kiếm tiền nhanh nhất.

Xu hướng này đã vấp phải sự phê bình không chỉ trong dư luận mà trong cả Chính phủ Hàn Quốc.

Ông Koh Young-sam, 56 tuổi, một thợ cơ khí ở Seoul, cảnh báo rằng bong bóng tiền ảo rốt cục sẽ vỡ. "Giới trẻ không nên bị cuốn vào trò lừa đảo này. Luôn có điều gì đó thu hút ở những thứ tăng giá nhanh thế này", ông nói.

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất loay hoay với câu hỏi làm thế nào để đánh thuế và điều tiết thị trường tiền ảo, trong đó có nhiều đồng được tạo ra để ẩn danh người dùng trong các giao dịch.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo ở nước này, với lý do tiền ảo có thể đặt ra rủi ro đối với nền kinh tế.

Hàn Quốc chiếm khoảng 15% tổng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu, theo dữ liệu từ Coinhills.com, nên các chính sách đối với tiền ảo của Chính phủ nước này có khả năng sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường tiền ảo toàn cầu.

Theo Bithumb, sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ nhì Hàn Quốc, giá Bitcoin ở nước này đã hồi phục vào ngày thứ Sáu, có lúc đạt gần 17.500 USD, sau khi chạm đáy gần 16.500 USD. Trên sàn Bitstamp ở Luxembourg, giá Bitcoin đã tăng lên hơn 13.700 USD, sau khi giảm còn 12.800 USD vào hôm qua.

"Thực ra, Chính phủ Hàn Quốc cần phải tính đến một số yếu tố chính trị. Nếu có nhiều người bị thua lỗ vì Bitcoin do Chính phủ không vào cuộc để kiểm soát cơn sốt, thì mọi người sẽ đổ lỗi cho Chính phủ", giáo sư tâm lý Lee Dong-gwi thuộc Đại học Yonsei phát biểu. "Nói một cách đơn giản, Chính phủ Hàn Quốc có thể lo sợ những rắc rối chính trị khi bị đổ lỗi".

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang