Yêu mèo đến điên dại mà ở gần là ngứa hết cả người? Bi kịch của các "sen" nay sắp chấm dứt rồi

Bị dị ứng với mèo là một chứng bệnh phổ biến hơn bạn tưởng. Nhưng câu chuyện này sắp kết thúc rồi.

Chẳng có gì đau khổ hơn việc thấy điều mình muốn ở ngay trước mắt mà chẳng thể chạm đến. 

Hoặc có thể chạm rồi phải... trả giá, giống như hội yêu mèo mà bị dị ứng với mèo vậy.

Yêu mèo đến điên dại mà ở gần là ngứa hết cả người? Bi kịch của các "sen" nay sắp chấm dứt rồi - Ảnh 1.

Yêu mèo đến điên dại mà ở gần là ngứa hết cả người? Bi kịch của các "sen" nay sắp chấm dứt rồi - Ảnh 1.

Đừng tưởng rằng tình huống trên chỉ là hi hữu, vì thực tế việc dị ứng với mèo là cực kỳ phổ biến ngày nay. Câu chuyện dị ứng này có nhiều mức độ, nhẹ thì ngứa ngáy, hắt hơi, cho đến việc khí quản bị sưng tấy và phải nhờ đến sự trợ giúp từ y tế để bảo toàn tính mạng.

Những người bị dị ứng với mèo sẽ phải chọn tránh xa chúng dù có muốn hay không, hoặc nếu không chịu được muốn gần gũi mèo thì buộc phải sử dụng thuốc chống dị ứng. Khoa học cũng rất đồng cảm với tình huống này, nên trong nhiều năm đã tìm đủ mọi cách để giải quyết nó. Từ việc lai giống, cho đến ý tưởng điều chỉnh gene của mèo để phù hợp với những người dị ứng. Tuy nhiên, chưa cách nào thành công.

Có điều bi kịch của các "sen" bị dị ứng sắp biến mất rồi, với một nghiên cứu mới đây từ Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ). Các tác giả nghiên cứu đã tiếp cận câu chuyện theo một con đường khác, đó là tạo ra vaccine chống dị ứng mèo.

Loại vaccine này thực chất không dành cho chúng ta, mà là cho mèo. Nó sẽ nhắm đến protein Fel d 1 - là một trong năm hợp chất gây dị ứng phổ biến ở mèo. Cơ chế gây dị ứng thì không rõ, chỉ biết rằng protein này có trong nước bọt và tuyến bã nhờn của mèo. Hiện tại, ít nhất 10% dân số tại châu Âu và châu Mỹ bị dị ứng với protein này.

Các chuyên gia đã hợp tác cùng công ty HypoPet tại Thụy Sĩ để thử nghiệm vaccine trên 54 con mèo, qua tổng cộng 4 nghiên cứu khác nhau. Kết quả cho thấy vaccine tỏ ra có hiệu quả khi làm giảm được lượng protein Fel d 1 ở những con mèo được tiêm. Quan trọng hơn, vaccine hoàn toàn tương thích với mèo, không hề gây phản ứng phụ nguy hiểm cho chúng.

"Cả mèo lẫn con người đều được lợi từ phát minh này, vì những cơn dị ứng có thể gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính (như hen) và khiến con người buộc phải bỏ rơi "hoàng thượng" của mình."

Để có được thành quả này, nhóm nghiên cứu đã phải kết hợp virus thể khảm với các phân tử Fel d 1, để kích thích hệ miễn dịch của mèo hoạt động. Sau khi tiêm, hệ miễn dịch của mèo sẽ tự động nhắm đến virus và diệt luôn cả protein này, từ đó không làm con người bị dị ứng khi tiếp xúc với chúng nữa.

Yêu mèo đến điên dại mà ở gần là ngứa hết cả người? Bi kịch của các sen nay sắp chấm dứt rồi - Ảnh 3.

"Chúng tôi thực sự vui mừng khi công bố rằng vaccine của HypoCat™ có thể tạo ra nhiều kháng thể cho mèo, từ đó giúp khóa lại và trung hòa được protein gây dị ứng," - tiến sĩ Gary Jennings, CEO của HypoPet AG cho biết.

Ngay cả với những người không bị dị ứng thì phát minh này cũng mang đến nhiều ý nghĩa. Được biết, dị ứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến số mèo bị bỏ rơi tăng lên. Riêng tại Mỹ, có 3,4 triệu con mèo bị lại tại các trạm cứu hộ mỗi năm, và chỉ 2/5 số đó được triệt sản. 

Mèo cũng bị vứt bỏ ra đường, làm mèo hoang tại nhiều thành phố trên thế giới và trở thành nguyên nhân khiến hệ sinh thái trở nên mất cân bằng. Lý do là vì mèo dù dễ thương, nhưng vẫn mang trong mình bản năng của một sát thủ. Dù chúng có thể giúp săn chuột, nhưng vì chuột trong thành phố không phải là những con mồi dễ dàng nên đa phần sẽ chuyển sang chim, cá cảnh...

Bởi vậy, nếu có thể ngăn chặn được số lượng mèo bị bỏ rơi, đó cũng là một cách để cứu rỗi cho môi trường.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Allergy and Clinical Immunology.

Tham khảo: IFL Science, Science ABC

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang