Dự luật biến New York thành tiểu bang đầu tiên cấm rút móng mèo: Vậy ra bấy lâu nay con người đã đối xử với chúng tàn bạo quá

"Declawing" không đơn giản là cắt móng mèo cho gọn, mà là hình thức rút móng, tháo khớp mèo để ngăn không cho móng mọc lại.

Nhiều người trong chúng ta thích mèo, thậm chí là rất thích, tôn chúng lên làm... hoàng thượng, yêu thương chúng bằng cả trái tim. Nhưng bất kỳ ai nuôi mèo cũng phải thừa nhận rằng chúng là một lũ rắc rối, đặc biệt là vấn đề phá phách đồ đạc trong nhà xuất phát từ thói quen mài móng.

Vấn đề gây đau đầu này được giải quyết bằng các trụ cào móng, băng dính bọc nội thất, hoặc đi găng tay cho mèo. Tuy nhiên, có một giải pháp cũng rất phổ biến được người nuôi mèo áp dụng, đó là declawing - tạm dịch là rút móng.

Dự luật biến New York thành tiểu bang đầu tiên cấm rút móng mèo: Vậy ra bấy lâu nay con người đã đối xử với chúng tàn bạo quá - Ảnh 1.

Khi mới nghe đến thuật ngữ "declawing", nhiều người sẽ tưởng rằng đó đơn giản chỉ là cắt bớt móng mèo cho gọn. Nhưng không, đây thực chất là những ca phẫu thuật tháo bỏ khớp nối móng chân mèo để rút ra, nhằm đảm bảo rằng bộ vuốt của chúng không mọc lại được. 

Giải pháp này có thể giúp đồ dùng trong nhà không bị mèo phá nát, nhưng đổi lại là những cơn đau đớn đầy khó chịu cho các hoàng thượng, chưa kể làm giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ nhiễm trùng và các hậu quả khôn lường... Vậy nên, phương pháp này đã gây ra rất nhiều tranh cãi, thậm chí có người còn gay gắt cho rằng những người làm như vậy là vô nhân đạo. 

Bất chấp sự phẫn nộ của các nhà động vật học, declawing vẫn chiếm tỷ lệ lên đến 25% tại Hoa Kỳ. Tuy vậy, những nỗ lực của họ đang dần đem lại kết quả, khi mới đây New York sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ ra lệnh cấm rút móng mèo. Dự luật chỉ còn cần 1 chữ ký nữa để chính thức có hiệu lực.

Theo bản dự luật được đưa ra thì ngoại trừ các mục đích về y tế, bất kỳ viện thú y nào thực hiện thủ thuật rút móng mèo sẽ phải nhận mức phạt $1000 Mỹ - tương đương gần 23 triệu đồng tiền Việt. Nói cách khác, người nuôi mèo sẽ không thể rút móng chúng nếu chỉ để làm đẹp và tiện dụng hơn cho mình.

Dự luật biến New York thành tiểu bang đầu tiên cấm rút móng mèo: Vậy ra bấy lâu nay con người đã đối xử với chúng tàn bạo quá - Ảnh 2.

Rút móng mèo cũng giống như chặt mất một đốt ngón tay ở người

Dự luật này do một số nhà hành pháp chung tay đưa ra,trong đó có Linda Rosenthal (Manhattan, Hoa Kỳ). Trước đó, Rosenthal đã kịch liệt phản đối thủ thuật rút móng, cho rằng nó không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho mèo. "Một cách làm không hề nhân đạo, thậm chí là tàn nhẫn," - cô chia sẻ. 

"Ngày mà chủ nuôi không thể rút móng mèo chỉ để bảo vệ mấy bộ bàn ghế và rèm cửa trong nhà đã đến gần."

Rosenthal cho biết, rút móng mèo là một quy trình phẫu thuật xâm lấn tủy, có thể gây biến chứng lâu dài cho mèo. Theo Brian Shapiro - giám đốc Hiệp hội nhân đạo Hoa Kỳ, thì nó cũng giống như chặt đi một đốt ngón tay ở người vậy. Thế nên, việc dự luật được thông qua có thể xem là thắng lợi lớn với cộng đồng những người thực sự yêu mèo.

Vẫn có một số tranh cãi xung quanh dự luật này. Như Hiệp hội Thú y New York phản biện rằng thủ thuật rút móng nên được thực hiện trong trường hợp con mèo quá phá phách, hoặc quá hung dữ, dễ khiến chủ nuôi bị thương và nhiễm trùng. 

Dự luật biến New York thành tiểu bang đầu tiên cấm rút móng mèo: Vậy ra bấy lâu nay con người đã đối xử với chúng tàn bạo quá - Ảnh 3.

Được biết, luật cho phép rút móng mèo ra đời vào năm 1952, được mô tả là một biện pháp thực tế nhằm ngăn mèo phá hoại đồ đạc trong nhà. Nhưng theo bác sĩ thú y Ron Gaskin, đây là một điều luật chưa hề có sự nghiên cứu chuẩn chỉnh về mèo.

"Họ chưa từng thực hiện nghiên cứu đủ lâu để biết tác hại trong dài hạn, và liệu nó có gây đau đớn cho cuộc đời của mèo." 

Tại đa số các quận của Canada đã cấm rút móng. Một vài thành phố của Mỹ cũng vậy, nhưng New York sẽ là tiểu bang đầu tiên. Đây cũng là hành vi bất hợp pháp ở Anh Quốc, Đức, Áo, Thụy Điển và nhiều quốc gia tại châu Âu. 

Dự luật tại New York sẽ được chuyển đến cho Thống đốc bang Andrew M. Cuomo, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

 

Tham khảo: Science Alert

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang