Câu chuyện buồn về 'cơn sốt' chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ

Từ người bạn trung thành với người dân vùng cao đến giống chó được giới nhà giàu săn lùng, cuối cùng chó ngao Tây Tạng lại trở thành những con vật bị ghẻ lạnh, căm ghét, thậm chí bị đánh đập đến chết...

Trong truyện kể dân gian ở Tây Tạng (Trung Quốc), loài chó ngao đặc hữu đã giúp mang đến những hạt giống đại mạch đầu tiên lên vùng cao nguyên này. Trên thực tế, chó ngao Tây Tạng cũng là giống loài trung thành, canh giữ rất cẩn mật đối với nhà cửa và gia súc của người dân. Thế nhưng, trong những năm gần đây, chó ngao Tây Tạng không chỉ tăng trưởng đột biến về số lượng mà còn trở nên hung tợn và bất trị. Lí do là vì đâu?

Chó ngao Tây Tạng - kẻ canh gác dũng mãnh của cao nguyên

Câu chuyện buồn về cơn sốt chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 1.

(Ảnh: VCG)

Thoạt nhìn, ai cũng ấn tượng với vẻ ngoài to lớn và mạnh mẽ của chó ngao Tây Tạng. Chúng nặng từ 55 đến 90 kg, tương đương với trọng lượng của người trưởng thành. Bộ lông của chúng rất dày, có màu từ đen sẫm đến vàng đồng, thích hợp để chống chọi với cái rét trên cao nguyên Thanh Tạng. Ngoài ra, bí mật về sức khỏe và sự dẻo dai của giống chó này là được lai chủng với chó sói từ thời tiền sử.

Ngao Tây Tạng thường ngủ vùi suốt cả ngày để tiết kiệm năng lượng, nhưng sẽ trở thành những kẻ canh gác sắc bén nhất vào ban đêm. Chúng có trí nhớ khá tốt, có thể nhận ra từng con cừu hay gia súc mà mình phải canh gác; từ đó biết bảo vệ vật nuôi khỏi thú dữ như sói, gấu, báo hoa mai... Có giai thoại còn cho rằng ngao Tây Tạng có thể hợp sức để giết hổ. Trong lịch sử phong kiến, giống chó này cũng được huấn luyện để phục vụ quân đội triều nhà Nguyên.

Cơn sốt chó ngao và kết cục buồn

Bắt đầu từ những năm 1990, cơn sốt chó ngao Tây Tạng đã càn quét khắp Trung Quốc. Trước đó, chỉ có các đền chùa hay địa chủ mới có đủ nguồn lực tài chính để huấn luyện chó ngao. Vì vậy, mọi người đều cho rằng ngao Tây Tạng là biểu tượng cho tiền tài và địa vị. Đến năm 2004, cơn sốt này bước vào giai đoạn nóng hổi nhất, với mức giá cho một con "thần khuyển" Tây Tạng lên tới 1,9 triệu USD (hơn 44 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay).

Câu chuyện buồn về \'cơn sốt\' chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 2.

Câu chuyện buồn về \'cơn sốt\' chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 2.

(Ảnh: Instagram, Shutterstock)

Các trung tâm phối giống ở tỉnh Thanh Hải và khu tự trị Tây Tạng đã từng nuôi mộng làm giàu nhờ con sốt chó ngao. Tuy nhiên, nguồn cung ngày càng bị nới rộng và thổi phồng quá mức, cuối cùng thị trường cũng không thể chấp nhận nổi những mức giá phi lý.

Từ năm 2013, chó ngao Tây Tạng trở thành món hàng hết thời và dần bị ghẻ lạnh. Đến năm 2015, khoảng 2.000 trong tổng số 3.000 cơ sở lai giống ở Tây Tạng đã phải đóng cửa do nhu cầu sụt giảm. Giá một chú chó ngao từ mức đỉnh điểm 2 triệu USD đã giảm xuống chỉ còn chưa tới 1.500 USD (từ 46 tỷ xuống còn 35 triệu đồng).

Cùng lúc đó, những người nuôi chó theo phong trào đã "cả thèm chóng chán" và vứt bỏ thú cưng của mình. Một số nông dân Tây Tạng cũng bỏ mặc chó ngao và đàn gia súc, đi đến thị trấn để chạy theo làn sóng kinh doanh đông trùng hạ thảo. Các yếu tố nói trên đã kết hợp với nhau và làm bùng nổ số lượng chó hoang khắp vùng cao nguyên Thanh Tạng.

Câu chuyện buồn về \'cơn sốt\' chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 3.

Câu chuyện buồn về \'cơn sốt\' chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 3.

Câu chuyện buồn về \'cơn sốt\' chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 3.

Cơn sốt chó ngao hạ nhiệt đã khiến hàng vạn "thần khuyển" trở thành kẻ "vô gia cư". Sau đó, khi chúng tấn công người dân và gia súc đã bị người dân đánh đập không thương tiếc (Ảnh: AP, Gangri Neichog)

Sau đó, những con chó ngao mạnh mẽ nhưng bất trị đã tấn công con người, thậm chí đe dọa thiên nhiên hoang dã. Ban đầu, chúng săn cừu Bharal (cừu hoang Himalaya), kế đó nhắm vào chính những đàn gia súc mà mình từng có nhiệm vụ bảo vệ. Ngoài ra, các video do cư dân địa phương ghi lại cho thấy thỉnh thoảng chó ngao Tây Tạng còn tàn sát cả sói, gấu, báo hoa...

Thách thức của các trung tâm cứu trợ động vật

Khi mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã quyết định đưa chó hoang vào các cơ sở cứu trợ động vật và đền chùa để chăm sóc, kiểm soát. Thế nhưng có rất nhiều vấn đề phát sinh tiếp theo. Ví dụ như tại một trung tâm động vật của huyện Nangquian, tỉnh Thanh Hải, khoảng 600 con chó ngao Tây Tạng được cưu mang đã tiêu thụ hết 400 kg bột mì cho bữa ăn mỗi ngày, như vậy chi phí hàng tháng lên tới 3.000 USD (gần 70 triệu đồng) chỉ riêng cho phần thức ăn.

Câu chuyện buồn về cơn sốt chó ngao Tây Tạng: Từ thần khuyển chục tỷ đồng đến bầy chó hoang hàng vạn con bị ruồng bỏ - Ảnh 4.

Một trung tâm động vật ở Thanh Hải đã chăm sóc cho hàng trăm con chó ngao Tây Tạng bị bỏ rơi (Ảnh: VCG)

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn Gangri Neichog, khoảng 14.000 trong số 50.000 con chó ở thành phố Golog (tỉnh Thanh Hải) là chó hoang. Các trung tâm động vật nhanh chóng bị quá tải trong khi bầy chó không ngừng sinh sản thêm.

Đến năm 2017, các trung tâm đã quyết định triệt sản chó hoang để kiểm soát số lượng, với chi phí do chính quyền địa phương tài trợ. Ngoài ra, chính quyền cũng kêu gọi người dân nhận nuôi "thần khuyển" Tây Tạng để giảm nhẹ gánh nặng đối với kinh tế - xã hội, cũng như giúp sức bảo tồn một loài vật quý giá của vùng cao nguyên.

(Theo CGTN)

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang