Anh công an “bao đồng” làm thêm đủ nghề kiếm tiền cứu chó hoang

Là công an, ở nhà thuê, ngày nghỉ làm thêm đủ thứ việc để kiếm tiền... nuôi đàn chó do mình giải cứu. Đó là Lê Hùng Dương, 30 tuổi, từng công tác ở Phòng Hình sự 5 năm, sau chuyển qua Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP.Buôn Ma Thuột.

Anh công an “bao đồng”

Là công an, ở nhà thuê, ngày nghỉ làm thêm đủ thứ việc để kiếm tiền... nuôi đàn chó do mình giải cứu. Đó là Lê Hùng Dương, 30 tuổi, từng công tác ở Phòng Hình sự 5 năm, sau chuyển qua Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP.Buôn Ma Thuột.

bai4-anhconganhungduongchiaphanthucanchodanchoanhquangvien_fxwd.jpg

Anh CSGT Hùng Dương chia phần thức ăn cho đàn chó

Dương có biệt danh “Tèo Sàng” vì khi rảnh anh thường cưỡi xe máy đi làng sàng khắp nơi kiếm chó bị bỏ rơi hoặc trong lò mổ cứu về. “Sếp” của Lê Hùng Dương, ông Nguyễn Văn Quy - Phó trưởng công an TP.Buôn Ma Thuột - tâm sự: “Dương rất nghèo lại nuôi cả đàn chó bỏ rơi, có người nói “hâm”, nhưng tôi hiểu và quý tấm lòng Dương lắm”.

Mỗi ngày, Tèo Sàng đều dành thời gian “sàng” qua các lò mổ, các điểm thu mua chó. Nhìn loài chó bị giam hãm trong “các trại tập trung” để chuẩn bị chuyển ra phía bắc, có chó đang bị nhốt trong các quán thịt cầy sắp giết mổ, anh muốn giải cứu hết nhưng không có tiền nên phải chọn một số bé ốm đói, bệnh tật hoặc thương tích rồi bỏ tiền chuộc về.

“Đến các lò nhốt chó để thịt, em cảm nhận được ánh mắt các bé đau buồn, khát khao được sống, mong được cứu khỏi “địa ngục trần gian”. Có những bé gầy gò, thương tật lại còn bị bỏ đói, đánh đập, khiến em rơi nước mắt”, Lê Hùng Dương trải lòng. Đến nay, khoảng hơn 50 cún đã được Hùng Dương giải cứu từ bọn bắt chó trộm hay bỏ tiền chuộc về. “Em muốn cứu tất cả các bé đem về nuôi nhưng còn khó khăn quá”, Dương phân trần.

Cộng đồng mạng biết chuyện nên thường chia sẻ cho anh điểm chó bị bỏ rơi. Hùng Dương đưa tôi xem thông báo của cộng đồng mạng về chú chó vện gãy chân đang nằm một góc công viên Phù Đổng, TP.Buôn Ma Thuột, rồi bảo: “Anh em mình đến đó ngay chứ bọn trộm chó phát hiện bắt mất”.

Làm “thợ đụng” kiếm tiền nuôi chó

Hùng Dương thổ lộ, tiền lương được bao nhiêu phần lớn dành cho chó, vậy mà vẫn thiếu trước hụt sau nên những ngày cuối tuần phải đi làm thêm “thợ đụng”.

“Trước đây nuôi hơn 70 bé, mỗi ngày mất mấy trăm ngàn tiền thức ăn. Sau này, em tìm được chủ hoặc tặng bớt những bé khỏe mạnh cho người nuôi có tâm để đỡ bớt chi phí. Em cũng rất cảm ơn những người động viên, hỗ trợ tiền mua thức ăn”, Hùng Dương trải lòng.

Hùng Dương chở tôi về ngôi nhà nuôi chó nằm trên con đường nhỏ thuộc P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột. Vừa mở cổng, đàn chó mấy chục con loạn xạ chạy ra đón chủ. Dương ngồi xuống để chúng mặc sức “leo lên đầu lên cổ”. Căn phòng chưa đầy 16 m2, như bãi chiến trường. Chiếc nệm rẻ tiền, chỗ ngả lưng của chàng công an độc thân bị xới tung chăn, màn. “Em đi làm, chiếc nệm thuộc toàn quyền của đàn chó. Nhưng khi em đi ngủ, nhiều bé còn lên nằm chung”, Dương nói.

Bên ngoài, khoảnh sân dậy mùi xú uế. Hùng Dương xắn quần để vệ sinh chất thải của đàn chó rồi bắt đầu vào bếp chế biến thức ăn cho chúng. Thường ngày, trước khi đi làm, Dương ra chợ mua gan, phổi heo, xương gà nấu lên trộn với cơm cho chó. Dịp lễ tết, khẩu phần cho chó sang hơn như thịt, xương ống heo.

Mới đây tôi gặp Hùng Dương cùng bạn gái ở TP.HCM. Anh bật mí: “Em quen cô bạn này trên mạng. Cô cũng “đắm đuối” chó nên dễ đồng cảm. Cả hai dự tính nếu có “duyên người, duyên chó” đến được với nhau sẽ tìm một cái rẫy nho nhỏ dựng trại đủ nuôi đàn chó bị bỏ rơi. Mà dù sao, đó chỉ là ước mơ thôi vì cả hai cùng nghèo mà”. (còn tiếp)

Thanh nien

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang