Trước thềm WWDC 2017: Đừng lo cho tương lai của Apple, họ chẳng sợ Google, Microsoft hay Amazon

Thực tế là nhiều người đang quên mất bản chất của Apple, quên mất Apple "sống" bằng cái gì trước khi nhận định Apple phải "sợ" ai đó.

Ngay cả các fan ruột của Apple cũng không thể chối bỏ sự thật rằng Apple đang tụt hậu một cách rõ rệt. Công ty của Tim Cook đang đứng ngoài gần như tất cả các trào lưu nổi trội được hy vọng sẽ làm nên tương lai của hi-tech: đám mây, VR/AR, chatbot, Internet of Things... và đặc biệt là AI. Trên những lĩnh vực này, Apple hoặc chưa có bất kỳ động thái thực sự nào để cuốn hút người dùng, hoặc là vô cùng yếu ớt.

Và thế là chúng ta có cớ để khẳng định "Apple phải biết sợ". Apple phải sợ Google. Apple phải sợ Microsoft. Apple phải sợ Amazon. Rõ ràng là các đối thủ này có nhiều thứ mới mẻ để kể hơn Apple. Họ có đám mây, có AI, có IoT - đều là những từ khóa "hot" nhất, hứa hẹn thay đổi tương lai của con người.

Còn Apple vẫn đang sống bằng iPhone, và iPhone 7 thì không có gì mới. iPad cũng vậy. Mac cũng vậy. Apple Watch cũng vậy. Apple TV cũng vậy.

Nhưng nếu nói Apple phải biết khiếp sợ tức là bạn đã quên mất bản chất của Apple.

Phần cứng

 


Nguồn sống của Apple vẫn có vị thế đặc biệt áp đảo.

Nguồn sống của Apple vẫn có vị thế đặc biệt áp đảo.

Apple là một công ty phần cứng. Người dùng bỏ tiền ra mua iPhone vẫn là nghĩ đến chiếc điện thoại cầm trên tay trước khi nghĩ đến iOS, iMessage, iCloud v...v...

Nhưng Apple cũng là một công ty phần cứng có biệt tài về phần mềm - nhớ kiểm soát tốt các nền tảng như macOS cũng như iOS mà Apple mới có được vị thế như ngày hôm nay. Bằng cách tiên phong cho các cuộc cách mạng phần mềm mang tính chất nền tảng (giao diện đồ họa cho PC, giao diện cảm ứng trực quan cho smartphone, chợ ứng dụng...) mà Apple đạt được lợi thế rất lớn trước các đối thủ cạnh tranh. Với hàng chục triệu iPhone bán ra mỗi tháng, rõ ràng là Apple đã thuyết phục được hàng trăm tín đồ tin rằng nền tảng của mình vượt trội so với các đối thủ.

Chính vì chỉ sống bằng phần cứng và hệ điều hành nên miếng ăn của Apple và nỗ lực của Google, Microsoft, Amazon trên các lĩnh vực AI và đám mây thực chất là không hề mâu thuẫn. AI, đám mây, Big Data... thực chất đều không phải là các công nghệ cho người dùng cuối trực tiếp tiêu thụ mà là các công cụ trung gian dành cho các nhà phát triển ứng dụng. Các ứng dụng có AI và đám mây ở dưới nền hoàn toàn có thể bước chân lên nền tảng của Táo.

 

Từ trước đến nay, AI của Google, Microsoft và Amazon đã luôn có mặt trên iOS và macOS.

Từ trước đến nay, AI của Google, Microsoft và Amazon đã luôn có mặt trên iOS và macOS.

Ví dụ, bộ Cognitive AI của Microsoft có thể giúp tạo ra những ứng dụng nhận diện hình ảnh thượng hạng, nhưng cũng chẳng có lý do gì để tác giả của các ứng dụng này không mang tác phẩm của mình lên iOS. Thực tế là Apple vẫn đang nắm trong tay một lượng người dùng vô cùng màu mỡ. Các nhà phát triển ứng dụng vẫn luôn ưu ái iOS trước Android.

Cả Microsoft lẫn Google cũng không 'chê' iOS. Mới đây nhất, Google đã đưa Assistant lên iOS, còn Cortana đã có mặt trên iOS từ lâu. Sản phẩm đại diện cho tất cả những lĩnh vực Google áp đảo Apple như tìm kiếm (Search), mail (Gmail), video (YouTube), bản đồ (Google Maps)… cũng đều có mặt trên iOS.

Nói cách khác, mặc cho Google và Microsoft có vượt mặt Apple trên lĩnh vực ứng dụng phần mềm nào đi chăng nữa thì về bản chất Apple vẫn là kẻ bán phần cứng còn Google và Microsoft là những kẻ hưởng lợi trên phần mềm chạy trên hệ điều hành của Apple. Không có lý do gì Apple phải "sợ" Google hay Microsoft trên các lĩnh vực này, bởi xét cho cùng nếu AI Google hay đám mây bên trong ứng dụng iOS càng tuyệt vời thì người dùng càng có lý do để ở lại với iPhone.

Nền tảng

 

Thất bại lớn nhất của Apple là không dự liệu được bến đỗ chuẩn xác nhất của AI với người dùng cuối: loa thông minh.

Thất bại lớn nhất của Apple là không dự liệu được bến đỗ chuẩn xác nhất của AI với người dùng cuối: loa thông minh.

Nhưng hiển nhiên là miếng ăn của Microsoft, Google, Amazon và Apple vẫn sẽ có lúc mâu thuẫn. Amazon đã tiên phong và đang thống trị một nền tảng phần cứng/phần mềm cho căn nhà có giao diện duy nhất là giọng nói: Echo và trợ lý ảo Alexa. Google đang bám đuổi quyết liệt với Home, cùng lúc có tham vọng VR thông qua dự án DayDream. Microsoft cũng không kém cạnh, vừa ra mắt công nghệ loa thông minh cho các đối tác thứ 3 thực hiện (Harman, HP, Intel), vừa có HoloLens và nguyên cả nền tảng thực tại kết hợp (Mixed Reality).

Đáng sợ nhất, Microsoft đang mang một tầm nhìn khổng lồ dành cho toàn bộ Internet Vạn Vật. Theo góc nhìn mới được gã khổng lồ phần mềm công bố tại BUILD 2017, thế giới điện toán sẽ phân chia thành 2 nửa: một nửa là đám mây thông minh (intelligent cloud), một nửa là các thiết bị cuối thông minh (intelligent edge). Microsoft mang tham vọng ra mắt những công nghệ phần mềm có khả năng quy tụ vô số thiết bị cuối dưới đám mây Azure.

Apple có cần phải sợ hãi trước những bước tiến tột bậc này? Câu trả lời vẫn là không.

 

Nhưng cuối cùng thì smartphone vẫn không thể bị thay thế hoàn toàn bởi loa thông minh hay bất cứ thứ gì khác.

Nhưng cuối cùng thì smartphone vẫn không thể bị thay thế hoàn toàn bởi loa thông minh hay bất cứ thứ gì khác.

Lý do vẫn nằm ở nguồn sống của Apple lúc này: iPhone, và cả iPad cũng như MacBook. Với lợi nhuận chiếm từ 80% đến mức... trên 100% của toàn bộ ngành công nghiệp smartphone, và với doanh số smartphone đắt tiền bán ra mỗi quý đôi khi còn vượt mặt cả tổng doanh số smartphone "thượng vàng hạ cám" của Samsung, Apple rõ ràng là sẽ còn sống tốt cho đến khi người dùng không còn cần smartphone nữa. iPad cũng vẫn đứng đầu thị trường tablet về thị phần, vẫn được phần đông coi là trải nghiệm tablet chuẩn mực so với Android hay Windows 10. Còn Mac, dù đắt đỏ hơn rất nhiều so với những chiếc laptop Windows, cũng vẫn thu hút được doanh số hàng tỷ USD mỗi năm. Và đó là bất chấp sự tự do gần như không có giới hạn trên Windows và Linux.

Nói cách khác, Apple vẫn sẽ sống tốt nếu như người dùng vẫn mua smartphone, tablet, máy tính... Apple vẫn sẽ sống tốt. Mà smartphone, tablet và máy tính thì lại không hề mâu thuẫn với loa thông minh, smart home hay Internet of Things. Bạn vẫn sẽ cần iPhone cho một vài tác vụ Echo không thể làm được, ví dụ như gọi điện khi không ở nhà hoặc truy cập vào... Amazon.com chẳng hạn. Các nền tảng smart home có phát triển đến mấy thì người dùng vẫn sẽ cần một chiếc smartphone để theo dõi tình hình căn nhà, bật nước nóng trước khi về, hạ lệnh cho robot lau nhà v...v...

Còn Internet of Things ư? Smartphone là một phần của Internet of Things. Intelligent cloud, intelligent edge của Microsoft có phát triển đến thế nào thì iPhone vẫn có thể là một phần trong đó.

Vẫn sẽ có cạnh tranh

 

Apple Speaker với trọng tâm Siri sẽ là một bước tiến quan trọng để Apple giành lại tương lai.

Apple Speaker với trọng tâm Siri sẽ là một bước tiến quan trọng để Apple giành lại tương lai.

Chúng ta chỉ đang nói đến tình huống xấu nhất, rằng Apple sẽ chỉ dừng lại ở những gì đang có. Nhưng Apple không dừng lại ở iPhone, iPad và Mac: theo rất nhiều nguồn tin, công ty của Tim Cook đang tích cực nghiên cứu AI, xe tự lái và cả loa thông minh. Rất có thể Siri sẽ trở nên thông minh vượt bậc hơn trước, có thể một bộ "Apple Infotainment" nguyên khối sẽ có mặt trên những chiếc Audi, BMW, HomeKit có thể được cải tiến toàn diện tại WWDC. Một chiếc "Apple Speaker" được đồn đại sẽ sớm ra mắt.

Trong những cuộc chiến này, Apple có thể sẽ thua cuộc trước Google, Microsoft và Amazon. Xét cho cùng, biệt tài phần mềm của Apple nằm ở các trải nghiệm ưu ái người dùng cuối chứ không phải là ở những khái niệm phức tạp xa xôi không rõ ràng. Nhưng kể cả trong trường hợp đó, Apple cũng không cần phải quá sợ hãi: miếng ăn của Apple về cơ bản là không mâu thuẫn với những cuộc cách mạng của tương lai.

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Hãng Netflix Và Kế Hoạch Đưa Nhiều Phim Trên Nền Tảng Phát Trực Tuyến Ra Rạp

Hãng Netflix Và Kế Hoạch Đưa Nhiều Phim Trên Nền Tảng Phát Trực Tuyến Ra Rạp

Nguyễn Võ Bảo Phương

Netflix - nền tảng phát trực tuyến hàng đầu thế giới, đang từng bước thử nghiệm đưa các bộ phim của mình lên màn ảnh rộng, mở ra cơ hội mới cho các tựa phim độc quyền. Gần đây, thỏa thuận hợp tác giữa Netflix và IMAX đã được công bố là bước đầu trong chiến lược này. Cùng xem nhé!

Phim Ảnh
Lên đầu trang