Fidget Cube: Khi "sự ngứa tay" có giá 500.000 đồng

Nếu bạn là một kẻ với bàn tay luôn luôn “đi chơi” quá xa với ý thức của não bộ trong lúc làm việc, thì biết đâu Fidget Cube lại là thứ bạn đang tìm.

Đã bao giờ bạn đang làm việc và bất ngờ nhận ra cái tay của mình đang "hành hạ" những vật dụng xung quanh mà không hề hay biết như là chùm chìa khóa, cây bút hay thậm chí là đồ đạc của… thằng bàn bên? Đã bao giờ bạn bỗng nhiên thấy… ngứa tay nhưng lại không dám nghịch phá hay tung hứng cái iPhone hay laptop của mình vì tự ý thức được rằng cái giá phải trả là quá lớn?

Để đáp ứng nhu cầu chưa-được-chú-ý này của những kẻ tay chân không thể để yên một chỗ, Fidget Cube (hay có thể dịch nôm na là "Hộp ngứa tay") đã được ra đời.

 


Món đồ chơi giúp cho bạn đỡ cảm thấy ngứa tay

Món đồ chơi giúp cho bạn đỡ cảm thấy ngứa tay

Lần đầu được biết đến năm 2012 trên trang góp vốn Kickstarter, Fidget Cube đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người và cho đến năm 2016, những sản phẩm đầu tiên đã được sản xuất và phân phối rộng rãi với mức giá $22 (khoảng 500.000 đồng).

Ngoại hình và thiết kế

Ấn tượng đầu tiên về thứ đồ chơi này, chính là kích cỡ khá nhỏ nhắn của nó. Fidget Cube có thể nằm lọt thỏm ở trong lòng bàn tay, rất nhẹ và có thể dễ dàng quăng quật khắp mọi nơi mà không phải lo nghĩ do chất liệu chính của nó là nhựa. 6 mặt của khối lập phương tương đương với 6 loại "trò chơi" khác nhau cho những kẻ tăng động, mô phỏng gần hết những thứ chúng ta thường làm như bấm đầu bút, nghịch công tắc, xoa bàn trượt, nổ bóng nilon… Thậm chí, có một mặt được để trống nhằm thỏa mãn những con người đơn giản và không đam mê hành động. Đi kèm với thiết bị là một dây đeo đơn giản nhằm tránh các trường hợp mất đồ không kiểm soát (mà đa số những kẻ ngứa tay hay quăng quật vật dụng lung tung đều mắc phải).

 

Fidget Cube: Khi sự ngứa tay có giá 500.000 đồng 2

Dẫu vậy, có lẽ đặc điểm của Fidget Cube chính là để người sử dụng cảm nhận bằng tay chứ không phải bằng mắt, nên các phối màu trong thiết kế của thứ đồ chơi này không thực sự gây được ấn tượng (nếu không nói rằng một vài mẫu trông khá xấu).

Liệu đây có phải là dụng ý của nhà sản xuất nhằm khiến người sử dụng tập trung nhìn vào công việc hơn là cái phối màu nhạt nhẽo này không, chúng tôi cũng thực sự không rõ.

Cảm nhận

Khi cầm Fidget Cube trên tay và sử dụng thử, dễ nhận ra một điều là cảm giác thiết bị này đem lại khá giống với những gì chúng ta thường thấy trên các món đồ lặt vặt khác. Các nút bấm được thiết kế để đem lại một cảm giác chắc chắn, bền bỉ đủ sức dãi dầu mưa nắng, cũng như có thể sử dụng để làm vũ khí tấn công nhưng đứa mình ghét mà không gây ra sát thương quá nặng.

Tuy vậy, trải nghiệm sau khi sử dụng liên tục thiết bị này trong một khoảng thời gian chính là việc các đầu ngón tay bị mỏi và đau. Bởi lẽ, trên bề mặt các nút bấm thường có các rãnh chống trượt cũng như kí hiệu in nổi. Việc tiếp xúc với các bề mặt này lâu dễ dẫn đến cảm giác khó chịu và đau, đặc biệt khi một số nút yêu cầu phải sử dụng lực không nhỏ để có thể "nghịch".

Thêm vào đó, mặc dù nhiều người cho rằng âm thanh phát ra từ Fidget Cube khi đang "hành sự" chính là một sự sắp đặt đầy chủ ý của nhà sản xuất để đem lại trải nghiệm thực tế nhất, thì nó cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nếu bạn thật sự là một con người theo chủ nghĩa cá nhân sâu sắc và không hề có ý định kết bạn 4 phương hay thậm chí là không e sợ cái nhìn của dư luận, hãy mang Fidget Cube ra xài tại các địa điểm như lớp học, văn phòng, phòng họp…

Hiệu quả đem lại

 

Fidget Cube: Khi sự ngứa tay có giá 500.000 đồng 3

Được bày bán với hiệu năng rất oách là "giảm stress", "sảng khoái tinh thần tập trung trí tuệ", Fidget Cube về lý thuyết có thể coi như một vật dụng bất ly thân cho bất kì người học sinh hay nhân viên công sở nào ngày ngày vật vã với công việc mà không phá nát vật dụng xung quanh.

Người viết đã chọn một khoảng thời gian khá áp lực với các deadline (trong đó có bài viết này) để thử nghiệm sản phẩm. Kết quả sau một thời gian dài thử nghiệm (khoảng 2 tiếng đồng hồ), tay thì đau mà não bộ thì vẫn vùng vẫy trong những mệt nhoài của công việc. Có thể thấy, Fidget Cube không thực sự đem lại hiệu quả cao như nó được quảng cáo. Mặc cho cảm giác khá giống thật và dễ khiến người dùng sử dụng liên tục trong vô thức mà không hay biết, mục đích chính để mua thứ đồ chơi này lại không nổi bật. Bù lại, thì tay chân cũng cảm thấy sảng khoái và vui tươi vì được vận động một cách "chính thống" hơn.

Có nên mua không nhỉ?

Với mức giá cho một chiếc Fidget Cube (xịn) là 500.000 đồng, đây thực sự là một món đồ chơi nho nhỏ khá đắt tiền và không thực sự cần thiết. Hiệu quả mà thiết bị này mang lại không hề lớn, cũng như việc đánh mất một vật dụng tí hon như Fidget Cube là hoàn toàn có thể xảy ra (cho dù có cả dây đeo). Thiết nghĩ, nếu bạn là một con người ngứa tay ngứa chân nhưng lại muốn tìm kiếm một giải pháp kinh tế hơn cho bản thân, thì hãy cứ tận dụng những đồ vật ở quanh mình hoặc học cách quản lý các bộ phận cơ thể cho ngay ngắn khi làm việc. Hoặc nếu bạn muốn thực sự giảm stress, hãy mang 500.000 đồng đó đi vui chơi ăn uống một bữa cho đã đời!

Fidget Cube: Khi sự ngứa tay có giá 500.000 đồng 4

Fidget Cube là một dụng cụ sinh ra cho những con người thiếu tập trung nhưng lại thừa tiền, với sức ảnh hưởng của sản phẩm lên người sử dụng không quá đặc biệt và giá thành lại khá cao so với các sản phẩm nhỏ nhắn làm từ nhựa khác được bày bán trên thị trường. Sử dụng thiết bị trong một khoảng thời gian dài cũng không đem lại cho người dùng một sự thỏa mãn nhất định, bởi lẽ tay thì đau mà người xung quanh thì khinh ghét (do quá ồn ào). Lời khuyên của tôi, nếu bạn thật sự có ý định tậu về nhà một em Fidget Cube, chính là chỉ nên sử dụng nó khi bản thân cảm thấy cần thiết hoặc khi đang ở một mình. Giải tỏa cho bản thân là một chuyện, nhưng đày đọa những người xung quanh lại là một chuyện khác đấy!

Nguồn: Genk

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Bài viết mới trong ngày

Lên đầu trang