Tôi đi tìm game thay thế Diablo (Phần 2)

Tiếp tục hành trình đi tìm những game thay thế Diablo của tôi, lần này là những sản phẩm mới hơn, bạn có thể tìm và chơi lại được.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm game thay thế Diablo, tôi lại nhận được thông tin về một nhóm nhân viên cũ của Blizzard tách ra làm một game mới với phong cách lấy lại từ Diablo. Đó là game dạng indie kinh phí thấp có tên Fate.

Fate

Có lẽ không nhiều người biết đến game này, nhưng nó do một số nhân sự từng tham gia dự án Diablo nghỉ việc ở Blizzard ra làm riêng. Chất của nó được lấy từ tinh túy của Diablo phiên bản đầu tiên kết hợp với hệ thống pet đồng hành mới ứng dụng từ Mercenaries trong Diablo II.

Mặc dù cũng là một game thay thế Diablo nhưng nó tập trung tái hiện những tinh túy của Diablo 1, vốn không quen lắm với một fan của Diablo II như tôi. Đặc biệt là cơ chế “chui hầm” của Diablo 1 trở nên cực chán với những ai quen với kiểu đi ở ngoại cảnh rộng của Diablo II.

Dẫn theo một con pet chui cả trăm tầng hầm na ná nhau, cứ đầy thùng đồ thì trở về làng bán và mua thêm vũ khí mới. Sau đó lại trở vào hầm và đi hết tầng này đến tầng khác. Tôi đầu hàng ở tầng 25 vì quá chán sự lặp lại đó. Nghe đâu nó trải qua 2 – 3 bản nâng cấp nữa trước khi bị khai tử.

Torchlight

Thú thực từ đầu tôi không quan tâm lắm đến Torchlight vì chung quy nó giống như một bản reboot của Fate, do chính những người làm ra Fate bỏ tiền dựng lên studio Runic Games và tạo ra nó. Tuy nhiên có lẽ những người đồng sự từ Flagship Studio sáp nhập vào Runic đã giúp họ có lối ra.

Torchlight tiếp tục giữ hệ thống pet đặc trưng từ thời Fate nhưng môi trường trở nên “mở” hơn, không còn những màn chui hầm đến phát chán mà có những phân cảnh riêng, vẫn có các hầm tồn tại nhưng thiết kế có chiều sâu và đa dạng hơn khiến cảm giác chơi tăng lên và gảim bớt nhàm chán.

Game khá thành công nhưng tôi vẫn chưa hài lòng lắm và chỉ chơi qua quít cho biết. Cho đến Torchlight II. Có thể nói đây là một trong những game thay thế Diablo một cách xứng đáng. Nó phức tạp và tinh tế hơn hẳn phần 1. Vẫn giữ chế độ pet cốt lõi nhưng thêm vào đó là những ngoại cảnh được thiết kế 3D đẹp mắt, các lớp nhân vật có sự phân hóa rất lớn về cách chơi cũng như thế mạnh riêng. Chỉ còn mỗi phong cách đồ họa hoạt hình là hơi “khó chấp nhận” một chút.

Còn nói đến Torchlight Mobile thì… thôi bỏ đi. Một sản phẩm ăn theo của Perfect World vốn chẳng dành cho dạng mộ đạo game offline tự kỷ như tôi.

The Incredible Adventures of Van Helsing

Tên dài đọc mệt mỏi quá, nhưng đối với tôi nó cũng là một game thay thế Diablo đầy tiềm năng. Được giới thiệu bởi một ông anh có kinh nghiệm chơi game offline đầy mình, tôi tò mò mua nó trong một đợt Steam Sale.

Quả thật game có những tố chất nhất định giống với sản phẩm Diablo. Tuy nhiên bối cảnh của nó nghiêng khá đậm vào Steampunk (phong cách máy móc hơi nước thế kỷ 19 đầu 20). Game là một thế giới kết hợp giữa máy móc sơ khai và phép thuật huyền bí, giai đoạn giao thời giữa Hậu trung cổ và cận hiện đại thường thấy trong các phim mờ ảo huyền bí cùng chủ đề.

The Incredible Adventures of Van Helsing có chất riêng, được đánh giá khá cao và ra được đến 3 phần. Sau này nghe thông tin còn có một game khác là Victor Vran được làm theo cùng phong cách với Van Helsing. Nhìn chung tôi không có mấy thiện cảm với dòng game này vì nó đã tạo được chất riêng, không quá giống Diablo như mục đích tôi đi tìm ban đầu, còn Victor Vran thì lại càng xa với hơn vì nó đi theo style Van Helsing chứ có theo Diablo đâu.

Mặc dù vậy nếu xét về một game nhập vai phong cách chơi cổ điển thì đây vẫn là một dòng game khá tốt, nếu không quá cố chấp về “chất” thừa hưởng Diablo thì bạn vẫn có thể tìm đến nó như một sự đổi món của thể loại classic RPG.

Diablo 3

Chẳng có game thay thế Diablo nào tốt hơn là một phần Diablo tiếp theo. Diablo 3 mang theo rất nhiều khát khao và trông đợi của một kẻ “đói” game đến mức đi lùng các game khác thay thế như tôi.

Tuy nhiên khởi đầu có lẽ làm tôi hơi thất vọng, class kiểu Paladin như phần 2 không có, lại lù lù một cái nhà đấu giá cùng một mới mua bán như trong game online một lần nữa làm tên chơi game tự kỷ như tôi thấy khó ưa. Sau một thời gian, nhà đấu giá sập và nhân bản mở rộng Reaper of Souls ra mắt kèm theo class Crusader (tương tự Paladin), tôi quẹt thẻ mua ngay. Sau đó lại tiếp tục bị móc túi với bản cập nhật class Necromancer, cái tên đầu bạc mà tôi lạm dụng kỹ năng “nổ xác thối” thời Diablo II.

Nhìn chung Diablo 3 là một ngụm nước cho cơn khát thể loại game đặc trưng này của tôi. Nó cho tôi một game để cày háo hức, cày nhanh chóng và… hết nhanh chóng. Tất cả chỉ còn lại cày level tăng dần, săn vũ khí và đi nhiệm vụ tuần hoàn Adventure Mode. Chẳng ai làm nổi một game cứ có cốt truyện và nhiệm vụ mới mãi được, cuối cùng nó cũng hết nội dung chính và dần… chán ngắt.

game thay thế Diablo

Cuộc hành trình tìm kiếm game thay thế Diablo một lần nữa lại tiếp diễn nhưng với thể loại nhập vai hiện đại lên ngôi thì style Diablo gần như bị khai tử. Cuộc tìm kiếm lúc này trở nên gian nan hơn bao giờ hết.

Theo Thanhnien.vn

Bài viết liên quan

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang