OTT ngoại, OTT nội và nhà mạng: Đối đầu sinh tử?

OTT ngoại có thể hợp tác với OTT nội và nhà mạng trong nước hay không, câu trả lời luôn luôn là có. Tuy nhiên, với bản chất của người khổng lồ, các OTT ngoại luôn muốn làm chủ trong mọi cuộc chơi.

OTT ngoại

Khi nhắc đến OTT ngoại, trong bối cảnh bài viết này, OTT ngoại là những công ty làm ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của nhà mạng, chúng ta nên nghĩ đến bộ tứ quyền lực có tham vọng vô biên là Google, Facebook, Apple và cả Microsoft. Tuy nhiên, hiện phần lớn cộng đồng chỉ nghĩ OTT là bộ tam mới nổi gồm Kakao Talk, Line và Viber. Bộ tam mới nổi này tuy hiện là nguy cơ trước mắt với nhà mạng, nhưng họ không đáng sợ bằng bộ tứ quyền lực kia. Tại sao nhà mạng vẫn chưa phản ứng mạnh với bộ tam OTT mới nổi? Đơn giản hạ tầng mạng không dây vẫn đang được nhà mạng kiểm soát và hệ sinh thái của bộ tam mới nổi chưa đủ sức ảnh hưởng để lôi kéo cộng đồng. Theo thời gian, bộ tam này sẽ có thể thành một hình thức khác hoặc tan biến.

Tuy nhiên, với bộ tứ khổng lồ OTT thì câu chuyện sẽ khác. Họ có hệ sinh thái hoàn chỉnh, “có mềm có cứng”, dịch vụ sáng tạo, đa dạng và độc đáo. Bất kì dịch vụ sản phẩm nào của họ tung ra đều ảnh hưởng và dẫn lái xu hướng toàn cầu. Và tại Việt Nam, hầu hết ai đã dùng Internet thì đều đã dùng qua dịch vụ sản phẩm của bộ tứ trên. Chú ý một chút thì chúng ta thấy, bộ tứ trên đều đã cung cấp nền tảng nghe gọi miễn phí giống Kakao Talk hoặc Viber. Điển hình nhất là Apple có Facetime được tích hợp sẵn vào iOS 7, nghĩa là người dùng iOS 7 không cần cài ứng dụng gì vẫn có thể gọi miễn phí cho nhau. Và xu hướng này sẽ tiếp tục hiện hữu trên Android và Windows Phone. Thậm chí, có thể sẽ đến lúc, ai có điện thoại cũng nghe gọi được với nhau mà không còn phụ thuộc vào nền tảng mềm hay cứng nào.

Điểm chưa hoàn thiện lớn nhất của bộ tứ trên là hạ tầng mạng lưới Internet không dây. Dịch vụ và sản phẩm của họ không thể phủ kín toàn cầu nếu không khắc phục được hạn chế này. Và đây là đáp án của họ: Google Project Loon, dự án phủ sóng Internet toàn cầu bằng khinh khí cầu được khởi động vào tháng 6 vừa qua, cũng như dự án Internet.org của Facebook vào tháng 8/2013. Việc gì sẽ xảy ra với nhà mạng trong nước nếu năm 2015, dự án Internet toàn cầu của Google hoặc Facebook thành công?

OTT ngoai, OTT noi va nha mang: Doi dau sinh tu? hinh anh 1
OTT nội và OTT ngoại chạy đua với nhau. 

 

Phải nói thêm, hiệp định TPP có khả năng cao sẽ được kí kết vào cuối năm nay. TPP cũng là một bất lợi với nhà mạng trong nước, vì trong TPP có những quy định tạo thuận lợi tối đa cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các rào cản hầu hết được gỡ bỏ. Vậy OTT ngoại có thể hợp tác với OTT nội và nhà mạng trong nước? Câu trả lời luôn luôn là có, tuy nhiên, với bản chất của người khổng lồ, họ luôn muốn làm chủ trong mọi cuộc chơi, vấn đề ở yếu tố thời gian.

OTT nội

Nhắc đến OTT nội thì chúng ta tạm thời chỉ đề cập đến VNG, vì chỉ có VNG mới đủ sức thay đổi cục diện trong dài hạn. Tại sao chỉ VNG lại đủ sức thay đổi cục diện? Nếu chỉ có Zalo thì nhà mạng cũng chưa cần phải suy tư nhiều vì đơn giản nhà mạng hiện vẫn kiểm soát hạ tầng mạng không dây tại Việt Nam. Tuy nhiên, VNG là đơn vị duy nhất có hệ sinh thái Internet và Mobile khá hoàn chỉnh, có tiềm lực tài chính đủ mạnh để tạo sóng, có đội ngũ nhân lực trẻ năng động được định hướng tốt. Với những gì hiện có và đang làm, nếu không có lực cản đáng kể gì thì VNG sẽ nhanh chóng có ưu thế cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo và thương mại điện tử, hai lĩnh vực chính yếu tạo doanh thu mà nhà mạng cần thâm nhập.

Vậy OTT nội có thể hợp tác với nhà mạng hay không? Với đặc thù tại Việt Nam, thì cơ hội này tuy có nhưng khá bấp bênh. Nhà mạng cần hiểu rõ bản chất thật sự của các OTT để có đối sách đáp ứng phù hợp. Và quan trọng nhất là yếu tố thời gian, nhà mạng càng chậm ứng phó thì cơ hội thâm nhập càng giảm dần.

Nhà mạng trong nước

Nhìn bề nổi, hiện các nhà mạng trong nước cơ bản vẫn đang kiểm soát thị trường di động (mobile). Tuy nhiên, trước thay đổi nhanh chóng về công nghệ của bộ tứ OTT ngoại, cũng như ràng buộc từ hiệp định TPP và sự phát triển của OTT nội, nhà mạng đang đứng trước thách thức sinh tử. Có quan trọng hóa vấn đề quá hay không? Chúng ta hãy điểm lại một số tên tuổi dù rất lớn trong ngành viễn thông nhưng cũng đã bị bức tử vì chậm chạp thay đổi và ngủ quên trên chiến thắng, điển hình như Nokia, Motorola, Sprint, Nortel và rồi sắp tới BlackBerry.

Hiện trong nước đã có nhà mạng thay đổi chiến lược thích ứng OTT khá nhanh, tuy nhiên do mới thay đổi nên vẫn cần thêm thời gian để tích lũy. Điểm khó khăn khi nhà mạng làm OTT là mô hình kinh doanh của OTT đối lập với nhà mạng. OTT thường miễn phí dịch vụ, còn nhà mạng thì ngược lại. Nếu nhà mạng phát triển mạnh OTT, đồng nghĩa doanh thu VAS, thoại và tin sẽ giảm. Vì vậy, nhà mạng càng phát triển OTT thì doanh thu của họ càng giảm sâu. Vậy mấu chốt cho quyết định có phát triển OTT hay không cơ bản sẽ dựa vào mức độ bền vững trong cấu trúc doanh thu của nhà mạng. Chỉ nhà mạng nào có cấu trúc doanh thu tốt, làm chủ công nghệ tốt mới có ưu thế cạnh tranh về OTT trong dài hạn.

Nhìn toàn cảnh hơn, chúng ta cũng nên đánh giá qua về mức độ hấp dẫn của thị trường viễn thông Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại nếu có nhà mạng trong nước cổ phần hóa. Nếu thời gian quay về ba năm trước, thì việc cổ phần hóa có lẽ sẽ là cú huých lớn. Tuy nhiên tình thế nay đã thay đổi, thị trường ICT toàn cầu đã thay đổi, mô hình kinh doanh về ICT cũng đã thay đổi, và đặc biệt điển hình chưa thành công của Sfone và Beeline khi đầu tư vào viễn thông tại Việt Nam cũng phần nào khiến nhà đầu tư đúng tầm cân nhắc kỹ.

Theo Tạp chí Xã Hội Thông Tin

Bài viết đọc nhiều nhất

Lên đầu trang