Hiện nay, người dùng đang dần quan tâm đến việc làm thế nào để lưu giữ khoảnh khắc đẹp thay vì “lăn tăn” chọn mẫu máy phù hợp túi tiền như trước đây bởi máy ảnh kĩ thuật số, DSLR… đang trở nên phổ biến hơn với giá thành rẻ hơn...
1. Lựa chọn máy ảnh
Đây là công đoạn cần thiết nhất khi “dấn thân” vào sở thích chụp ảnh. Dù mới bắt đầu hay đã có chút kinh nghiệm, ta cũng đều phải cần phải chọn cho mình một thiết bị ưng ý và hội đủ các yếu tố cần thiết để phục vụ cho từng nhu cầu.
Tiêu chí lựa chọn đầu tiên là về kiểu dáng. Bạn có thể chọn cho mình một máy ảnh với phong cách “hầm hố” hoặc một thiết bị chụp nhỏ gọn nhưng phải thoải mái cầm nắm và nút chụp được bố trí thuận tiên và vừa tay nhất.
Độ phân giải là nhân tố quyết định. Tùy theo nhu cầu, bạn có thể lựa chọn các máy có độ phân giải hình ảnh hơn 12 Mpx để xuất ra các hình ảnh rõ nét cho các công việc như in khổ lớn hoặc máy ảnh có độ phân giải thấp hơn cho các nhu cầu chia sẻ với bạn bè, người thân.
Cảm biến ảnh cũng là tiêu chí lựa chọn không thể bỏ qua. Có 2 loại cảm biến ảnh phổ thông là CCD và CMOS. Ngày nay, CMOS được cải tiến về công nghệ nên được sử dụng nhiều hơn và mức chia phí rẻ hơn.
Một bộ phận không thể thiếu nữa đó là ống kính. Máy ảnh hiện nay có 2 loại: ống kính rời và ống kính liền thân. Và bạn nên quan tâm đến các thông số như zoom quang học, góc, độ mở, rung, khả năng ổn định hình ảnh…
Ngoài ra, chúng ta cũng nên quan tâm đến các thông số về chế độ lấy nét, độ phơi sáng, chế độ chụp, đèn Flash đi kèm, thẻ nhớ, pin… hay cả màn hình xem trước nếu bạn thấy đó là cần thiết.
Cuối cùng, nên nhớ rằng, những hình ảnh chụp được phần lớn là do cách bạn tiếp cận chủ thể, các thông số máy ảnh chỉ hỗ trợ bạn ở một mức giới hạn nhất định nào đó mà thôi.
2. Chụp ảnh ngoài trời
Ở điều kiện chụp này, hầu hết các yếu tố như ánh sáng, độ tương phản, màu sắc… đều ủng hộ người chụp. Việc còn lại của chúng ta là lựa chọn các cách thức để có thể ghi được hình ảnh ưng ý nhất.
2.1 Chụp cận cảnh
Rất nhiều người có sở thích chụp chủ thể ở cự li gần nhưng không phải ai trong đó cũng có thể chụp được khoảnh khắc đẹp. Các chủ thể thường được sử dụng là hoa, chân dung, vật thể… và lúc này, bạn cần đến một thiết bị hỗ trợ gọi là thấu kính cận nhằm thu hẹp khoảng cách mà ống kính hướng đến vật cần chụp nhằm giúp thu được vật thể rõ nét hơn ở mức độ phóng đại lớn hơn.
Điều kiện ngoài trời cũng rất lí tưởng để chụp ảnh chân dung. Với chế độ mang tên “flash on” hay còn gọi là “fill flash”, người chụp có thể hướng người chụp theo hướng nghiêng với độ sáng mặt trời. Điều này nhằm giúp người được chụp đỡ bị chói mắt, tránh tình trạng nheo mắt.
Còn nếu chụp những cá thể bé như bông hoa nhỏ chẳng hạn, bạn cần phải ghé sát, thậm chí phải nằm dài ra nền để thu hình. Nhưng nếu không muốn, bạn cũng có thể chọn chế độ "close up" hay "macro mode" được tích hợp sẵn trên máy ảnh số.
2.2 Chụp xa
Khi chụp những hình ảnh đòi hỏi không gian rộng, người ta thường gặp phải việc thấu kính camera “bóp méo”, khiến ta có cảm tưởng cảnh vật như cong đi, từ đó mất định hướng chụp. Do đó, bạn cần đến một số “mẹo” để căn chỉnh như dựa vào chủ thể để “làm mốc” và so sánh với xung quanh.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải lưu ý đến bối cảnh xung quanh như liệu màu sắc nền có “lấn át” chủ thể hay không, tập trung vào chủ thể cần chụp, khả năng tương phản, ánh sáng… và phải lựa chọn góc độ và bố cục hợp lí.
3. Chụp ban đêm
Ở điều kiện thiếu sáng, việc chụp ảnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là khi thiếu sáng hoàn toàn. Do đó, ta cần lưu ý các điểm sau:
Thứ nhất, ta nên lựa chọn dạng ảnh là RAW bởi đây là định dạng lưu lại nhiều chi tiết nhất, từ đó ta có thêm nhiều tùy chọn trong quá trình chỉnh sửa hơn. Với các máy KTS không hỗ trợ định dạng ảnh này, ta có thể lựa chọn độ phân giải cao nhất.
Thứ hai, bạn nên trang bị cho mình một chân đế để giữ máy khi chụp. Khi chụp đêm, tốc độ màn trập chậm lại và nếu không giữ chắc, hình có thể sẽ bị nhòe do rung tay. Bạn cũng lên lựa chọn chân máy phù hợp với kích thước máy ảnh. Đi kèm với đó, bạn có thể kết nối máy ảnh với một dây bấm chụp mềm để tránh việc rung khi bấm trực tiếp.
Thứ ba, bạn nên chọn vị trí đứng chụp thuận lợi: bố cục hợp lý, độ tương phản và khả năng nhận đủ ánh sáng…. Bạn nên lên kế hoạch trước cho điều này.
Thứ tư, bạn nên thiết lập thông số máy ảnh như độ mở ống kính, khẩu độ vàng, tốc độ màn trập… trước khi chụp ảnh để không phải thiết lập lại gây tốn thời gian và có thể mất đi khoảnh khắc đẹp.
Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn các chế độ như hẹn giờ chụp, không đứng ngược sáng, chụp với các tốc độ khác nhau, kích hoạt tính năng giảm nhiễu (nếu có)… để thu được hình ảnh ưng ý nhất.
4. Luyện khả năng chụp ảnh
Không phải ai bắt đầu cầm máy đã biết chụp cho mình những bức ảnh đẹp. Chụp hình cũng giống như học văn, học võ… tức là đòi hỏi sự kiên trì cao và một sự đam mê nhất định. Do đó, bạn nên tạo các thói quen sau nếu muốn trở thành “pro”:
4.1 Luôn mang máy ảnh bên mình
Rất nhiều người “tiếc hùi hụi” khi không thể chụp được khoảnh khắc đáng giá bởi họ đang… để máy ảnh ở nhà. Do đó, tuy có hơi bất tiện và vướng víu, bạn cũng nên mang máy ảnh theo.
4.2 Chụp mọi lúc, mọi nơi nếu có thể
Khi liên tục chụp, bạn sẽ rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Ban đầu, những hình ảnh có thể xấu nhưng “cần cù bù khả năng”, sẽ có một ngày bạn lựa chọn trong kho hình của mình những bức đẹp mắt, hoặc tự mình chụp được các bức ảnh mà trước đây cũng với khung cảnh đó, bạn không thể thu cho mình một shot ưng ý. Có thể du lịch, đi picnic sẽ là điều kiện lí tưởng để thực hiện.
4.3 Chụp ở nhiều điều kiện khác nhau
Không chỉ chụp phong cảnh hay chân dung, bạn cũng nên thay đổi môi trường như dưới mưa, cánh đồng, vườn thú… bởi có thể, một trong các nơi đó sẽ tạo thêm cho bạn rất nhiều cảm xúc. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên tự sáng tạo riêng cho mình các góc chụp, kiểu chụp mới… để tăng sự trải nghiệm.
4.4 Tham gia ít nhất một CLB về nhiếp ảnh
Đây chính là nơi trao đổi kinh nghiệm quý báu của các thành viên với nhau, chúng có thể là một nhóm nhỏ có sở thích chụp ảnh, một diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội…
Ngoài ra, bạn cũng cần tự trang bị cho mình các kiến thức nhiếp ảnh cơ bản khác như tự học các video thủ thuật, tìm hiểu thông số máy ảnh, các loại ống kính….